Kế hoạch tổ chức cuộc thi Trường học không ma túy (Hình từ internet)
![]() |
Kế hoạch 255/KH-BCA-BGDĐT |
Kế hoạch 255/KH-BCA-BGDĐT ngày 28/4/2025 tổ chức cuộc thi Trường học không ma túy của Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi Trường học không ma túy năm 2025, như sau:
Mục đích và yêu cầu
- Cuộc thi Trường học không ma túy là hoạt động nhằm tuyên truyền, giúp học sinh, sinh viên nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng mà ma túy có thể gây ra đối với sức khỏe, gia đình và xã hội. Thông qua cuộc thi giúp học sinh, sinh viên nhận diện các loại ma túy, đặc biệt là các loại ma túy núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... từ đó hình thành ý thức tự bảo vệ và tránh xa ma túy.
- Cuộc thi là sân chơi để học sinh, sinh viên thể hiện khả năng sáng tạo trong tuyên truyền phòng, chống ma túy. Thúc đẩy học sinh, sinh viên sống tích cực, có trách nhiệm trong xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh, không có ma túy và vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy trong các trường học.
- Thông qua cuộc thi góp phần phát triển các dự án, Câu lạc bộ phòng, chống ma túy trong nhà trường để hướng học sinh, sinh viên đến những hoạt động tích cực, có ích cho bản thân, cộng đồng. Bên cạnh đó, là cơ hội để kết nối gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng cùng đóng góp vào công tác phòng, chống ma túy, góp phần xây dựng cộng đồng không ma túy.
- Cuộc thi Trường học không ma túy được chuẩn bị chu đáo, công tác tổ chức công tâm, khách quan, thiết thực, an toàn và tiết kiệm; tạo được phong trào, sức lan tỏa trong học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục.
Nội dung:
- Hình thức
+ Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức gameshow truyền hình với những phần thi hấp dẫn, lôi cuốn, sáng tạo; tạo sân chơi bổ ích, hứng thú để học sinh, sinh viên tích cực, chủ động tìm hiểu kiến thức về phòng, chống ma tuý, đáp ứng yêu cầu giáo dục học sinh, sinh viên phát triển toàn diện.
+ Cuộc thi được ghi hình, phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia và đăng tải trên các nền tảng số để tăng tính lan tỏa.
+ Mỗi cuộc thi có 03 đội tuyển tham gia, mỗi đội tuyển đại diện cho một ngôi trưởng. Mỗi đội gồm 03 thành viên chính và các thành viên hỗ trợ do nhà trường lựa chọn (số thành viên hỗ trợ không quá 30 người, bao gồm cả thành viên hỗ trợ kỹ thuật, hậu đài).
- Đối tượng
+ Thành viên chính: Học sinh các trường trung học phổ thông; sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề thuộc nhà trường tham gia cuộc thi.
+ Thành viên hỗ trợ: học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên thuộc nhà trường tham gia cuộc thi.
- Số lượng các cuộc thi và chương trình
Cuộc thi dự kiến thực hiện 31 số ghi hình, phát sóng trên Đài Truyền hình quốc gia và đăng tải trên các nền tảng số, mạng xã hội. Trong đó:
+ 20 cuộc thi dành cho học sinh trung học phổ thông.
+ 10 cuộc thi dành cho sinh viên đại học, cao đẳng, dạy nghề.
+ 01 chương trình Gala tổng kết.
- Phạm vi tổ chức
+ Cuộc thi Trường học không ma túy dành cho học sinh trung học phổ thông dự kiến tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mỗi cuộc thi gồm 03 trường tham dự. Tổng cộng tổ chức 20 cuộc thi, 60 trường tham dự. Ban Tổ chức quyết định lựa chọn địa phương tổ chức cuộc thi và số lượng cuộc thi ở mỗi địa phương.
Cuộc thi Trường học không ma tuý dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề dự kiến được tổ chức tại 05 tỉnh, thành phố tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Mỗi tỉnh, thành phố tổ chức 02 cuộc thi, tổng cộng tổ chức 10 cuộc thi, 30 trường tham dự. Ban Tổ chức quyết định lựa chọn địa phương tổ chức cuộc thi.
+ Chương trình Gala tổng kết (01 chương trình): Dự kiến tổ chức tại Hà Nội nhằm tổng kết và tôn vinh các đội thi xuất sắc, đồng thời tuyên dương các hoạt động có sức lan tỏa trong công tác phòng, chống ma túy.
- Nội dung thi
Nội dung thi gồm 4 phần thi dành cho các đội và phần thi dành cho khán giả.
+ Cuộc thi Trường học không ma túy cho học sinh trung học phổ thông gồm các phần thi: Tôi là ai, Hiểu biết, Hùng biện và Tài năng.
Cuộc thi Trường học không ma tuý cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề gồm các phần thi: Tôi là ai, Hiểu biết, Thuyết minh dự án phòng, chống ma túy và Tài năng.
+ Phần thi dành cho khán giả không tính vào điểm thành tích xét trao giải của các đội tham gia cuộc thi.
- Thời gian tổ chức và ghi hình
+ Tổ chức và ghi hình dự kiến từ tháng 5/2025 đến tháng 11/2025
+ Chương trình Gala tổng kết: Dự kiến tháng 11/2025
(Thời gian cụ thể theo thông báo của Trưởng Ban Tổ chức)
- Cơ cấu giải thưởng
+ Mỗi cuộc thi bao gồm cơ cấu giải thưởng như sau:
01 giải Nhất:
Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng tiền mặt trị giá 10.000.000 đồng/giải (Mười triệu đồng);
01 giải Nhì:
Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng tiền mặt trị giá 7.000.000 đồng/giải (Bảy triệu đồng);
01 giải Ba:
Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng tiền mặt trị giá 5.000.000 đồng/giải (Năm triệu đồng);
Giải phụ:
Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức và phần thưởng tiền mặt trị giá 500.000 đồng/giải (Năm trăm nghìn đồng);
++ Giải phần thi tôi là ai ấn tượng nhất;
++ Giải phần thi hiểu biết xuất sắc nhất;
++ Giải phần thi hùng biện xuất sắc nhất Dự án phòng, chống ma túy xuất sắc nhất;
++ Giải phần thi tài năng xuất sắc nhất;
++ Giải nam/nữ diễn viên xuất sắc nhất.
- Chứng nhận tham gia cuộc thi
Ngoài cơ cấu giải thưởng quy định tại mục 7.1 của Kế hoạch này, Ban Tổ chức cấp Giấy chứng nhận cho thành viên tham gia cuộc thi theo danh sách đăng ký chính thức của nhà trường và xác nhận của Ban Tổ chức về việc tham gia của thành viên tại thời điểm tổ chức cuộc thi.
Nguyễn Tùng Lâm