Đã có Công văn 5602/BTC-TCCB về đề xuất số lượng cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị (Hình từ internet)
Bộ Nội vụ có Công văn 5602/BTC-TCCB ngày 26/4/2025 về đề xuất số lượng cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị.
Theo đề nghị của Bộ Nội vụ tại Công văn 1632/BNV-TCBC ngày 22/4/2025 về việc đề xuất số lượng cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị, Bộ Tài chính báo cáo về quy mô, phạm vi quản lý, yêu cầu nhiệm vụ của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Tài chính sau khi sắp xếp như sau:
Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào Bộ Tài chính và tiếp nhận nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính có 35 Vụ, Cục và tương đương thuộc Bộ, gồm: Văn phòng, Thanh tra, 10 Vụ, 18 Cục và tương đương, 04 đơn vị sự nghiệp công lập và 01 đơn vị đặc thù.
(1) Về mô hình Cục
Theo phân loại mô hình Cục của Bộ Nội vụ tại Công văn số 1632/BNV-TCBC nêu trên, trong 18 Cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính có:
- 06 Cục loại 1 (Cục có quy mô lớn, có hệ thống tổ chức ngành dọc đặt tại địa phương, khu vực liên tinh, thực hiện chức năng tham mưu và tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực không phân cấp cho địa phương quản lý, được tổ chức lại từ các tổng cục thuộc bộ), gồm: Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Thống kê, Cục Dự trữ Nhà nước, Cục Thống kê, Kho bạc Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong đó, ngoài Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Cục và tổ chức tương đương nêu trên đều có tổ chức ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.
- 12 Cục loại 2 (Cục còn lại), gồm: (1) Cục Quản lý nợ và Kinh tế đối ngoại; (2) Cục Quản lý công sản; (3) Cục Quản lý đấu thầu; (4) Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí; (5) Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm; (6) Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; (7) Cục Quản lý giá; (8) Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước; (9) Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể; (10) Cục Đầu tư nước ngoài; (11) Cục Kế hoạch - Tài chính; (12) Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính cũng có tổ chức ngành dọc từ Trung ương đến địa phương.
(2) Về quy mô, phạm vi quản lý của các Cục và tương đương, đơn vị đặc thù thuộc Bộ Tài chính sau sắp xếp
Sau khi tổ chức lại từ Tổng cục thành Cục và tương đương, các đơn vị có hệ thống ngành dọc như Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã giảm mạnh số lượng đầu mối các tổ chức, đơn vị trực thuộc từ Trung ương đến địa phương, trong đó tại địa phương, Cục Thuế, KBNN tổ chức lại từ 63 Cục và tương đương thành 20 Chi cục và tương dương theo khu vực (tỉnh/liên tỉnh, thành phố), Cục Hải quan tổ chức lại từ 35 Cục khu vực thành 20 Chi cục khu vực, BHXHVN tổ chức lại từ 63 BHXH cấp tỉnh thành 35 BHXH khu vực,... Theo đó, sau sắp xếp, địa bàn quản lý, quy mô, khối lượng công việc và yêu cầu quản lý của các Chi cục và tương dương đều tăng lên đáng kể, cụ thể:
- Về địa bàn quản lý
+ Việc sắp xếp các tổ chức theo mô hình mới dẫn đến địa bàn quản lý của Chi cục khu vực và tương đương rất rộng, phân tán (có khu vực trên 30.000 - 40.000 km2, khoảng cách từ nơi xa nhất đến trụ sở chính của hầu hết các chi cục khu vực trên 100 km, có nơi trên 200km);
+ Đối với cấp đội, nhiều đội và tương đương có khoảng cách đi lại giữa trụ sở chính với địa bàn hợp nhất khá xa. Qua rà soát sơ bộ, có hơn 100 Đội Thuế (chiếm gần 1/3 trên tổng số 350 Đội Thuế) có khoảng cách đi lại giữa trụ sở chính với địa bàn hợp nhất gần 100km như Đội Thuế liên huyện Na Hang-Lâm Bình, Chiêm Hóa-Hàm Yên, Trấn Yên-Văn Yên; Quan Hóa-Quan Sơn-Mường Lát, Thọ Xuân-Thường Xuân...
- Về khối lượng công việc
+ Đối với cấp Chi cục: Khối lượng công việc của các Chi cục khu vực sau sắp xếp tăng gấp 3 - 4 lần khối lượng công việc của cấp Cục trước đây. Đối với các Chi cục Thuế khu vực, dự toán NSTW giao năm 2025 của các khu vực bình quân trên 85.000 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần dự toán NSTW bình quân giao cho một Cục thuế trước đây), có khu vực gần 500.000 tỷ đồng (Chi cục Thuế khu vực I); số doanh nghiệp, đối tượng quản lý trên địa bàn của các khu vực bình quân trên 4 triệu tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân (gấp hơn 3 lần so với quy mô quản lý bình quân của một Cục Thuế trước đây), thậm chí có khu vực lên đến gần 13 triệu tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân (Chi cục Thuế khu vực I). Đối với KBNN khu vực số lượng chứng từ thu chi ngân sách phát sinh lớn, nhiều khu vực trên 3 triệu chứng từ (cơ bản đều gấp từ 3-4 lần số lượng chứng từ của một KBNN cấp tỉnh trước đây); số đơn vị giao dịch với KBNN khu vực tăng, nhiều khu vực có số đơn vị giao dịch từ trên 5.000, thậm chí có nơi trên 8.000 đơn vị giao dịch (KBNN khu vực X - địa bàn Thanh Hóa, Nghệ An).
+ Đối với cấp đội: Các Đội Thuế không còn tổ chức bên trong (xóa bỏ 2.886 Đội Thuế), trong khi nhiệm vụ thu NSNN ngày càng lớn. Nhiều Đội Thuế có số thu NSNN lên đến hàng nghìn tỷ, hàng chục nghìn tỷ, tương đương với số thu NSNN của một số Chi cục Thuế khu vực như các Đội Thuế quận 1, Thủ Đức, Bình Thạnh (thu gần 20.000 tỷ/Chi cục), Chi cục Thuế Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hà Đông (trên 10 nghìn tỷ)...
- Về quy mô đơn vị
+ Đối với cấp Chi cục: Sau sắp xếp theo chi cục khu vực, số lượng biên chế của một số chi cục khu vực rất lớn (02 Chi cục Thuế có khoảng 4.000 công chức; 16 Chi cục thuế khu vực có từ 1.000 đến hơn 2.000 công chức; 02 Chi cục thuế khu vực có từ 900 đến dưới 1.000 công chức; Chi cục Hải quan khu vực II TP.HCM có hơn 1.600 công chức, KBNN khu vực I - TP.Hà Nội có hơn 900 công chức,...).
+ Đối với cấp đội: Biên chế được giao đến cấp Đội rất lớn, đặc biệt là các cơ quan như thuế, hải quan,... Tổng số biên chế của các Đội thuế khoảng 2,3 vạn công chức, chiếm 60,04% tổng biên chế của Cục Thuế (hơn 3,6 vạn công chức); bình quân mỗi Đội Thuế là 65 biên chế. Trong đó, tập trung tại các Đội Thuế thuộc các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng...có từ 80-100 biên chế/Đội Thuế, (cá biệt một số Đội Thuế như Đội Thuế quận 1, Thủ Đức, Bình Thạnh, Cầu Giấy, Hà Đông... có biên chế được giao từ 200-300 người). Biên chế công chức được giao các Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu (đơn vị tương đương cấp đội) cũng tương tự như đội thuế. Nhiều đơn vị có trên 50 biên chế. Ngoài ra có những đơn vị có biên chế rất lớn như: Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là 261 chỉ tiêu; Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV1 là 202 chỉ tiêu; Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài là 193 chỉ tiêu...
- Về yêu cầu quản lý
+ Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp hiện nay, các đội và tương đương đang quản lý địa bàn cấp huyện sẽ phải chuyển sang quản lý theo địa bàn cấp xã. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đang có 696 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.053 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, trường hợp sắp xếp giảm 60-70% đơn vị hành chính cấp xã, với 350 Đội Thuế, 350 BHXH cấp huyện (bình quân mỗi đơn vị đang phối hợp với 2 đơn vị hành chính cấp huyện) thì số đầu mối cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp của mỗi đội và tương đương sẽ tăng gấp 5 - 6 lần so với hiện nay.
+ Đối với ngành hải quan, tất cả các Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu, việc giám sát hàng hóa qua cửa khẩu phải được tiến hành bất kể thời gian nào khi có yêu cầu của doanh nghiệp kể cả vào ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc để đảm bảo kịp thời việc thông quan hàng hóa. Đồng thời, 100% các Hải quan cửa khẩu/ngoài cửa khẩu luôn phải bố trí công chức trực nghiệp vụ tại đơn vị 24/7, như vậy mỗi ngày bố trí 3 ca trực (mỗi ca 8 giờ theo quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của Luật Lao động), mỗi ca đều phải bố trí ít nhất 1 lãnh đạo Đội thuộc Chi cục và 1 Lãnh đạo Chi cục phụ trách.
Như vậy, với địa bàn quản lý, khối lượng công việc, quy mô đơn vị và yêu cầu quản lý nêu trên, việc quy định tiêu chí thành lập cũng như số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các đơn vị sắp xếp, tổ chức lại từ Tổng cục thành Cục cần đảm bảo phù hợp, linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của các tổ chức, đơn vị trong tình hình mới.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 5602/BTC-TCCB ngày 26/4/2025.