Đề xuất mới về sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương

06/05/2025 09:30 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về đề xuất mới về sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương.

Đề xuất mới về sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương (Hình từ internet)

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ban hành Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Bản thuyết minh

Đề xuất mới về sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 được Quốc hội thành lập theo Nghị quyết 195/2025/QH15 ngày 05/5/2025 đã tổ chức xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 với phạm vi đã được Quốc hội xác định. 

Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 02 điều; Điều 1 gồm 08 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 03 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp. 

Theo đó, nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định khác về chính quyền địa phương theo Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 như sau:

- Trong thực tế hiện nay, việc sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để chỉ chính quyền địa phương tại những đơn vị hành chính tổ chức đồng thời cả Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân dễ gây nhầm lẫn với thuật ngữ “chính quyền địa phương” nói chung, bao gồm cả những địa phương hiện nay đang tổ chức mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức Hội đồng nhân dân). 

Thể chế hóa kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 Hiến pháp 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân; không sử dụng thuật ngữ “cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.

- Tại khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013 đang quy định đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Thực tế hiện nay, việc chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân chỉ thực hiện tại Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. 

Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng các Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân khu vực không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có Hội đồng nhân dân ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn. 

Do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013 theo hướng không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. 

Việc chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ tập trung vào Ủy ban nhân dân (Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế. 

Tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Toà án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân song Hội đồng nhân dân vẫn thực hiện thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, trong đó bao gồm giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và của các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn. 

Đại biểu Hội đồng nhân dân vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương) và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. 

Do đó, vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ở địa phương.

Xem thêm tại Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 33

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079