Tăng cường dạy học các môn về văn hoá và nghệ thuật để học sinh phát triển toàn diện (Hình từ internet)
Ngày 25/4/2025, Văn phòng Trung ương Đảng có Thông báo 177-TB/VPTW về Thông báo kết luận của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học.
![]() |
Thông báo 177-TB/VPTW |
Theo nội dung kết luận Tổng bí thư Tô Lâm, đã nêu bối cảnh mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khoẻ (cả thể chất và tinh thần) tương xứng với việc thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng cao, yếu tố then chốt cho thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, cùng với tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm thúc đẩy tiến bộ xã hội, mở rộng cơ hội cho mọi người dân tiếp cận giáo dục có chất lượng, học tập suốt đời và phát huy tối đa tiềm năng cá nhân.
Tổng bí thư đồng ý giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về đột phá phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết này không thay thế các Nghị quyết đã có, mà lựa chọn những vấn đề then chốt nhất, điểm nghẽn lớn hiện nay để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Người đứng đầu Đảng cũng thống nhất chủ trương các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tuỳ theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên; có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hoá.
Đáng chú ý, việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hoá, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện.
Giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.
Thời gian thực hiện từ năm học 2025 – 2026 (năm học tới).
Xem chi tiết tại Thông báo 177-TB/VPTW ngày 25/04/2025.
Theo Điều 6 Luật Giáo dục 2019, hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Trong đó, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:
- Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
- Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
- Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
- Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
(1) Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
2) Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
(3) Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
(Điều 13 Luật Giáo dục 2019)