Toàn văn VBHN Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (Hình từ Internet)
Ngày 05/5/2025 Bộ Quốc phòng ban hành Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BQP Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
![]() |
Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BQP |
Theo đó, Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BQP được hợp nhất từ:
Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định 83/2025/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng" 1994, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/4/2025;
Cụ thể, Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BQP có quy định chi tiết về Chế độ ưu đãi đôií với danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng như sau:
- Bà mẹ được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được tặng Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Bà mẹ được truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì việc nhận Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và các chế độ khác được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định như sau:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng";
+ Lễ tặng hoặc truy tặng được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục truyền thống; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
- Tổ chức lễ tang khi Bà mẹ Việt Nam anh hùng từ trần được quy định như sau:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức lễ tang với thành phần đại điện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, đơn vị phụng dưỡng và nhân dân nơi bà mẹ cư trú;
+ Lễ tang được tổ chức trang trọng, tiết kiệm phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương; trang trí buổi lễ có dòng chữ: Lễ tang Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Kinh phí tổ chức lễ tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quá 01 tháng lương cơ sở cho 01 trường hợp; lễ tang “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quá 02 tháng lương cơ sở cho 01 trường hợp.
Việc xử lý vi phạm liên quan đến danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” được quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất 13/VBHN-BQP như sau:
- Tổ chức, cá nhân có hành vi giả mạo hồ sơ, xác nhận không đúng sự thực hoặc vi phạm quy định tại Nghị định 56/2013/NĐ-CP thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Những trường hợp có kết luận của cấp có thẩm quyền là giả mạo, khai man thì bị tước danh hiệu, thu lại Bằng, Huy hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; truy thu số tiền ưu đãi. đã nhận và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Việc tước danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng" thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.