Các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 15/6/2025

07/05/2025 16:30 PM

Đã có Nghị định sửa đổi việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, theo đó trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 15/6/2025 (hình ảnh từ Internet)

Các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 15/6/2025 (hình ảnh từ Internet)

Các trường hợp được xem xét miễn trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 15/6/2025

Tại khoản 13 Điều 1 Nghị định 93/2025/NĐ-CP sửa đổi Điều 23 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về việc áp dụng quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:

- Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, mức độ vi phạm và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.

- Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm có thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả được xem xét để giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

- Các trường hợp được xem xét để miễn trách nhiệm kỷ luật gồm:

+ Các trường hợp được quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức;

+ Vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất phát từ lỗi của đối tượng vi phạm hành chính;

+ Người ban hành quyết định trong xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra, phát hiện có sai sót và đã thực hiện khắc phục sai sót theo quy định mà chưa gây ra hậu quả.

Hiện hành, tại Điều 23 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại các Điều 24, 25, 26, 27, 28 và 29 Nghị định 19/2020/NĐ-CP.

- Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục và các nội dung khác có liên quan đến việc xử lý kỷ luật công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức.

- Thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật.

Việc xem xét, tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi áp dụng hình thức kỷ luật cũng được áp dụng trong trường hợp thực hiện hành vi vi phạm do hoàn cảnh khách quan hoặc do lỗi của đối tượng vi phạm hành chính.

- Việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật cán bộ có hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các nguyên tắc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 19/2020/NĐ-CP quy định các nguyên tắc kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bao gồm:

- Khách quan, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục pháp luật quy định.

- Bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.

Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.

- Kết luận kiểm tra phải được đối tượng được kiểm tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành đầy đủ và đúng thời hạn. Các sai phạm, kiến nghị, yêu cầu trong kết luận kiểm tra phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng việc và tương ứng với tính chất, mức độ vi phạm.

Kết luận kiểm tra phải được người có thẩm quyền kiểm tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

- Chủ thể có thẩm quyền kiểm tra và đối tượng được kiểm tra được xác định trên cơ sở nguyên tắc của hoạt động quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn, lãnh thổ.

Xem thêm Nghị định 93/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2025.

Chia sẻ bài viết lên facebook 100

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079