Điều chỉnh chính sách để giảm tác động rủi ro về kinh tế

22/10/2014 09:32 AM

Đó là nội dung trao đổi của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với Thanh Niên bên hành lang QH hôm qua.

Thưa Phó thủ tướng, nhiều ĐBQH và chuyên gia kinh tế đề nghị Chính phủ cần có những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế với TQ để giảm rủi ro một khi quan hệ hai bên có những chặng căng thẳng. Xin Phó thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?

Trong mối quan hệ hiện nay, TQ đang thực thi chính sách nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế. VN cũng chỉ yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế thôi chứ cũng không yêu cầu gì ghê gớm. Chính vì thế có những rủi ro nhất định về thị trường nên các DN, nhà đầu tư cũng phải tính toán. Bình thường, trong một thị trường có độ rủi ro như nhau thì thị trường nào có sự cạnh tranh hơn thì họ tham gia. Trong cơ cấu nền kinh tế của ta hiện nay, 31% là nhập khẩu từ TQ, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN trong khi Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN, chiếm 19% cho nên đó là cơ sở ta phải điều chỉnh chính sách để tỷ lệ nhập khẩu từ TQ giảm xuống. Thực tế bản chất là giảm rủi ro về kinh tế khi có bất ổn về an ninh chính trị nên sự điều chỉnh đó là cần thiết.

Khi đã điều chỉnh, yếu tố ổn định bền vững là yếu tố quan trọng nhất chứ không phải kinh tế. Bình thường các yếu tố rẻ, chi phí thấp là ưu tiên nhưng khi có bất ổn, yếu tố rẻ không còn nữa thì việc điều chỉnh là cần thiết. Cái đó, tự các DN đã nhìn nhận ra trong điều chỉnh cơ cấu thị trường trong thời gian tới.

Nhập siêu từ TQ hiện vẫn rất lớn, trong đó có cả việc nhập khẩu công nghệ, trang thiết bị lạc hậu. Cần một giải pháp hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu thì đồng thời sẽ giúp giảm nhập siêu?

Hiện chúng ta cũng đã có làm rồi. Đối với đầu tư công, Chính phủ cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp nhưng cũng phải hiểu, trong hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ đa phương nên ta cũng không thể ra quyết định cấm. Trước đây ta đã từng đưa ra chính sách cấm nhưng bị phản đối và phải thay đổi. Ta phải làm đúng theo quyết định đúng nguyên tắc của WTO.

Ví dụ như chính sách về đầu tư, TQ vẫn là thị trường vốn rất lớn không chỉ của VN mà cả thế giới. Nhưng sau sự kiện TQ cắm giàn khoan trái phép ở vùng biển của ta hồi tháng 5, thì chính sách đó rủi ro rất nhiều. Nên chúng ta phải tính toán cơ cấu lại các thị trường, lựa chọn lại. Một số ngành chúng ta có sự điều chỉnh rồi. Ví dụ như Nhà máy điện Vĩnh Tân đã quay sang tìm kiếm vốn từ thị trường Hàn Quốc rồi nhưng Hàn Quốc đáp ứng bao nhiêu thì mình còn phải xem. Nhưng đó là chính sách điều chỉnh cần thiết để giảm tác động rủi ro đến VN.

Có nghi vấn rằng, ở một số thời điểm, TQ có sự hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu công nghệ lạc hậu cho VN?

Tôi thì không nghĩ thế. Vấn đề quyết định là do mình chứ đâu phải do họ. Nói công nghệ lạc hậu, chủ đầu tư sẽ đưa ra quyết định là công nghệ đó đem lại hiệu quả không để đầu tư, nếu không họ không đi theo. Nguồn vốn tín dụng cũng đi theo, vì các nước cũng muốn khuyến khích xuất khẩu sản phẩm của họ, để cho vay. Mỹ, Anh, Pháp, Đức... cũng làm như vậy. Không có gì là sai cả. Vấn đề là người mua quyết định với công nghệ đó, vốn đó, anh có lời không. Anh đưa ra quyết định chứ tôi không lừa lọc gì anh ở đây cả.

Định hướng phát triển công nghệ của mình theo hướng tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh. Chúng ta mong muốn tốc độ đổi mới công nghệ nhanh hơn như giai đoạn trước, chúng ta đánh giá tốc độ đó chỉ 10% so với mức mà các nước ở trình độ như mình phải đạt 25%. Hiện nay có thúc đẩy hơn nhưng theo như báo cáo chỉ đạt được 13%, chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn.

Muốn công nghiệp hóa thì phải làm chủ được công nghệ nhập, sau đó, anh mới sáng tạo công nghệ nội sinh của anh. Nhưng vừa qua, cùng với phát triển kinh tế, các DN đều đổi mới, phát triển công nghệ nhưng chúng ta làm còn chậm, hiệu suất tiêu thụ năng lượng thấp. Công nghệ trên thế giới hiện rất đa dạng, việc lựa chọn, quyết định công nghệ là do chủ đầu tư. Nhà nước đưa ra chính sách để không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào.

Mạnh Quân (thực hiện)

Theo Thanh niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,290

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079