Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ từ ngày 13/5/2025 (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025 về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.
![]() |
Quyết định 1314/QĐ-BGDĐT |
Sau đây là một số nội dung tại Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ ban hành kèm theo Quyết định 1314/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2025 như sau:
* Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo:
Cấu trúc của chương trình đào tạo (CTĐT) bao gồm các thành phần chính: Giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp, khối kiến thức bổ trợ và khối học phần tốt nghiệp.
- Giáo dục đại cương bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh theo quy định hiện hành. Toán và Khoa học cơ bản, Tin học/CNTT chiếm tối thiểu 30 tín chỉ (TC) và được thiết kế phù hợp với từng ngành đào tạo trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
- Thời lượng thực hành thí nghiệm, trải nghiệm thực tế chiếm tối thiểu bằng 25% tổng số TC của khối giáo dục chuyên nghiệp và khối kiến thức học phần tốt nghiệp đối với CTĐT cử nhân và kỹ sư (bậc 6), 30% tổng số TC của khối giáo dục chuyên nghiệp và khối kiến thức học phần tốt nghiệp đối với CTĐT kỹ sư (bậc 7).
- Khối kiến thức học phần tốt nghiệp của CTĐT sau đại học theo định hướng nghiên cứu yêu cầu tối thiểu khối lượng nghiên cứu khoa học từ 24 đến 30 TC bao gồm 12 đến 15 TC cho luận văn, 12 đến 15 TC cho các đồ án, dự án, chuyên đề nghiên cứu khác. CTĐT sau đại học theo định hướng ứng dụng yêu cầu tối thiểu thực tập từ 6 đến 9 TC; học phần tốt nghiệp từ 6 đến 9 TC dưới hình thức đề án, đồ án hoặc dự án.
- Nội dung liên quan đến thực tập, thực tế của các CTĐT khuyến khích được thực hiện tại cơ sở công nghiệp hoặc phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu về vi mạch bán dẫn. Nội dung khóa luận/đồ án luận văn hoặc học phần tốt nghiệp thực hiện nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến một trong các công đoạn chính trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
* Phương pháp giảng dạy:
Phương pháp giảng dạy được thiết kế theo cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, xem người học là chủ thể chính của quá trình đào tạo. Phương pháp này khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và nỗ lực tham gia vào các hoạt động học tập của người học, đồng thời định hướng rõ ràng để bảo đảm đạt được chuẩn đầu ra của từng học phần, từng thành phần và toàn bộ CTĐT.
- Trình độ đại học: Kết hợp nhiều phương pháp để tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy, tận dụng công nghệ trong giáo dục đại học, cụ thể:
+ Bài giảng truyền thống (Lecture);
+ Buổi hướng dẫn/thảo luận (Tutorial);
+ Lớp học thực hành (Practical Class);
+ Thực hành trong phòng thí nghiệm (Laboratory Work);
+ Thực địa, thăm quan thực tế (Field Visit/Work);
+ Đóng vai, mô phỏng tình huống (Role Play/Simulation);
+ Nghiên cứu tình huống (Case Study);
+ Học tập kết hợp truyền thống và trực tuyến (Blended Learning);
+ Học tập từ xa và mở rộng (Open & Distance Learning).
- Trình độ thạc sĩ: Kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả học tập, cụ thể:
+ Bài giảng truyền thống (Lecture);
+ Tham quan doanh nghiệp công nghiệp (Industrial Visits);
+ Nghiên cứu tình huống (Case Study);
+ Học tập dựa trên vấn đề (Problem-based Learning PBL);
+ Chuỗi bài giảng từ khách mời (Guest Lecture Series);
+ Học tập tương tác (Interactive Learning);
+ Hội thảo nghiên cứu/chuyên đề (Research Seminars/Workshops);
+ Nghiên cứu thực địa (Field Research);
+ Hướng dẫn luận văn, đề án tốt nghiệp (Supervision of Dissertation).
Xem chi tiết tại Quyết định 1314/QĐ-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 13/5/2025 về Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ.