Dự kiến trả tiền lương cho giáo viên dạy thêm giờ (Hình từ internet)
![]() |
Dự thảo Thông tư |
Dự kiến trả tiền lương cho giáo viên dạy thêm giờ
Ngày 15/5/2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập (gọi là Dự thảo Thông tư).
Căn cứ tại Điều 3 Dự thảo Thông tư quy định chung về việc tính trả tiền lương dạy thêm giờ như sau:
- Tiền lương của một tháng làm căn cứ tính trả tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo bao gồm: tiền lương tính theo hệ số lương (hoặc theo vị trí việc làm), các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).
- Định mức giờ dạy/năm học đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông, thường xuyên, dự bị đại học; định mức giờ giảng/năm học đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm học đối với giảng viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được gọi chung là định mức giờ dạy/năm học.
- Năm học quy định tại Thông tư này được tính từ ngày 01 tháng 7 năm trước đến hết ngày 30 tháng 6 của năm liền kề.
Trong trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc trường hợp cấp bách phải điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học, thì thời gian bắt đầu, thời gian kết thúc năm học được xác định theo văn bản điều chỉnh đối với năm học đó của cơ quan có thẩm quyền.
- Nhà giáo công tác ở các cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học, trình độ đào tạo được áp dụng định mức giờ dạy/năm học quy định cho cấp học, trình độ đào tạo tương ứng với chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
- Tổng số giờ dạy thêm trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 4 Dự thảo Thông tư.
Trường hợp môn học không thể bố trí đủ nhà giáo giảng dạy, nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán trong 01 năm học theo quy định tại khoản 7 Điều này, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục báo cáo cơ quan quản quản lý có thẩm quyền để thực hiện việc chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo.
- Thời gian nhà giáo không trực tiếp tham gia giảng dạy nhưng được tính hoàn thành đủ số giờ dạy theo định mức quy định và được tính vào tổng số giờ dạy trong năm học của nhà giáo, bao gồm:
+ Thời gian nhà giáo nghỉ ốm đau, thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian nhà giáo làm nhiệm vụ khác do cơ sở giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động.
- Số giờ dạy thêm tối đa trong một năm học của mỗi nhà giáo được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư này được xác định như sau:
+ Đối với giáo viên mầm non không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Đối với nhà giáo khác không quá 150 giờ dạy.
- Tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi biệt phái do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến biệt phái chi trả.
Tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo được cơ quan có thẩm quyền cử đi dạy liên trường do cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường chi trả. Trường hợp nhà giáo được cử dạy liên trường đồng thời từ 03 cơ sở giáo dục trở lên (bao gồm cả cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác) thì tiền lương dạy thêm giờ của nhà giáo do các cơ sở giáo dục mà nhà giáo đến dạy liên trường chi trả, số giờ dạy thêm của nhà giáo được chia đều cho các cơ sở giáo dục này.
- Các nhiệm vụ đã có kinh phí hỗ trợ thù lao thì không được quy đổi thời gian thực hiện nhiệm vụ ra giờ dạy hoặc giảm định mức tiết dạy để tính tiền lương dạy thêm giờ trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, dự bị đại học, trường chuyên biệt và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo sau khi kết thúc năm học (trừ trường hợp chi trả tiền lương dạy thêm giờ cho nhà giáo nghỉ hưu).
Như vậy, trên đây là toàn bộ nội dung thông tin dự kiến trả tiền lương cho giáo viên dạy thêm giờ.
Nguyễn Tùng Lâm