Khi lãnh đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng đặt bút ký bản quy chế phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ vào cuối tháng 2 vừa qua, nhiều người cho rằng đây là sự kiện mang tính lịch sử trong điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam bởi sẽ giúp tránh được tình trạng “tiền tệ” một đàng, “tài khóa” một nẻo, vốn “đạp phanh” lên nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trong suốt thời gian qua.
Sức ép với tiền tệ
Thống đốc Nguyễn Văn Bình từng chịu sức ép trước khi ký văn bản hạ lãi suất huy động gần đây nhất. Đã không ít người nói với ông, rằng NHNN cần hạ lãi suất 2 điểm phần trăm do lạm phát có thể kiểm soát được nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đang trở nên suy kiệt. Tuy nhiên, rốt cuộc, ông đã đưa ra quyết định thận trọng như trên với lời giải thích “rủi ro lạm phát quay trở lại đang rình rập”. Quyết định như trên, theo Thống đốc, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp “đang rất khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh”.
Nhưng nỗ lực của NHNN nhiều khi chẳng giúp ích gì ngay. Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, người tham gia vào hầu hết các báo cáo tổng hợp vĩ mô của đất nước, thì chẳng lạ gì giá vốn cắt cổ mà doanh nghiệp vẫn đang phải chịu. “Chúng ta đang gặp vấn đề nghiêm trọng trong mối quan hệ thanh khoản của hệ thống ngân hàng và thanh khoản của nền kinh tế. Dù giảm lãi suất nhưng chênh lệch đầu vào - đầu ra vẫn lớn, 4-5 thậm chí 6-7 điểm phần trăm”, ông nói trong cuộc hội thảo phạm vị hẹp “Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu kinh tế” do ông chủ trì suốt một ngày đầu tuần này.
Theo ông Sinh, số doanh nghiệp phá sản đã lên đến 14.000 chỉ trong ba tháng đầu năm, khoảng thời gian mà tăng trưởng tín dụng ở con số âm 2,13%. Ông nói: “Quí 1 này GDP chỉ tăng 4% là mức rất thấp. Đây là tín hiệu báo động trong vấn đề việc làm, an sinh xã hội, số doanh nghiệp đóng cửa”. Ông cũng cho rằng, hệ thống ngân hàng cần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho quá trình sản xuất công nghiệp. “Chính sách cần được thực hiện để ai cũng sống được, sống khỏe chứ không phải là sống ngắc ngoải như thế này”, ông nói.
Thể trạng suy kiệt của doanh nghiệp cũng chẳng lạ gì với Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn, người vừa có chuyến khảo sát thực tế tại TPHCM và Đà Nẵng. Ông kể lại tình cảnh khốn khó của doanh nghiệp như tồn kho cao, chiếm dụng vốn tràn lan khi bán hàng mà không thu được tiền, khả năng sinh lời suy giảm... và kết luận: “Các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn”.
Ông Ngoạn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% trong năm nay là “không thể đạt được”. Nguyên nhân của tình trạng này là tăng trưởng tín dụng ba tháng đầu năm âm gần 3% làm chỉ số này cùng lắm là đạt được 2-3% trong nửa đầu năm nay. Trong sáu tháng cuối tăng trưởng tín dụng không thể đạt được 12-13% để bù được. Hơn nữa, nếu xả tín dụng cuối năm thì lại tạo lạm phát đầu năm 2013.
Chính vì vậy, ông Ngoạn cho rằng, thiếu sự hỗ trợ của chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ khó có thể giảm lãi suất một cách hiệu quả khoảng 3-4 điểm phần trăm, vốn đang rất cần trong điều kiện hiện nay. Ông đề nghị áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt như công cụ chính để đối phó với lạm phát và giúp giảm lãi suất. Một chính sách tài khóa chặt chẽ làm giảm nhu cầu phát hành trái phiếu của Chính phủ và bớt đi tài trợ thâm hụt ngân sách bằng khu vực ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng từ từ để giảm lãi suất và giúp giảm tình trạng đình đốn sản xuất hiện nay.
Và dư địa của tài khóa...
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, và tình trạng kẹt cứng của Thống đốc, nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chính sách lại nhìn sang dư địa của chính sách tài khóa. Biên bản thỏa thuận của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc gần đây, theo Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Tiền tệ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Thanh Hà, là “chưa đủ” vì “thỏa thuận đó phải được thể chế hóa”, để tạo khuôn khổ pháp lý cho chính sách tài khóa được chặt chẽ hơn.
Ông Ngoạn của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần kiểm soát mức tổng chi ngân sách không được vượt quá nhiều so với dự toán. Ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm thời chưa sử dụng trong năm số vượt thu dự toán ngân sách được dùng.
Chính sách cần được thực hiện để ai cũng sống được, sống khỏe chứ không phải là sống ngắc ngoải như thế này. Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Kỷ luật ngân sách luôn là vấn đề tồn tại lớn khi không được tôn trọng và cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm. Điều này một lần nữa lặp lại trong năm 2011, khi dự toán chi đầu tư phát triển 152.000 tỉ đồng, thực hiện 193.800 tỉ đồng. Trong quí 1 năm nay, chi ngân sách đã gần đạt 199.000 tỉ đồng, tăng hơn 13% so cùng kỳ. Thâm hụt ngân sách 26.190 tỉ đồng, bằng 18,7% dự toán và dưới 4,8%. Tuy nhiên, bà Hà và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn dư địa để điều chỉnh chính sách tài khóa. Theo bà Hà, đang xuất hiện khả năng chi và bội chi cao dù thu ngân sách hạn chế nhờ phát hành trái phiếu, tín phiếu. Quí 1 đã phát hành 30,9% kế hoạch năm, bằng 43,8% thực hiện năm 2011. “Bộ Tài chính cần hạn chế bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách phát hành trái phiếu”, bà Hà nói và bổ sung thêm là Chính phủ nên giảm quy mô phát hành trái phiếu 10.000-20.000 tỉ so với kế hoạch năm.
Theo Tiến sĩ Trịnh Quang Anh của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, hệ thống ngân hàng hiện đang nắm giữ ước gần 80% tổng lượng trái phiếu chính phủ. Điều này thể hiện, Chính phủ đã động viên một nguồn lực tài chính lớn ngay từ hệ thống ngân hàng thương mại, thay vì từ các tổ chức kinh tế và dân cư để đầu tư cho khu vực công, làm nguồn vốn tín dụng dành cho khu vực tư bị thu hẹp và khó giúp hạ lãi suất nhanh. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước thực chất đã phải tài trợ gián tiếp cho thâm hụt ngân sách thông qua việc cầm cố, chiết khấu trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng thương mại, góp phần gây lạm phát cao hơn.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh lo ngại, phối hợp chính sách tài chính và tiền tệ sẽ chẳng có cải thiện. Tình trạng kinh tế hiện nay là hậu quả của chính sách tiền tệ bị siết chặt quá mức trong suốt năm 2011. Ông Ánh lo ngại, việc tăng thu tiền bán đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, và đề xuất áp dụng các loại phí gần đây… cho thấy xu hướng ngân sách nhà nước tiếp tục phình to. Thu ngân sách lên đến trung bình 28% GDP, mức cao nhất trong khu vực. Cam kết của Bộ Tài chính tăng thu ngân sách từ 5-8%, theo ông Ánh, thể hiện không song hành với khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế. “Đáng ra, chính sách tài khóa cần phải hỗ trợ chính sách tiền tệ để gỡ khó cho nền kinh tế”, ông Ánh nói. Theo chuyên gia này, câu chuyện phối hợp giữa hai cơ quan nhà nước này là câu chuyện dài. Ông nói, cái khó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhiều khi không cùng song hành, và có nhiều xung đột, trong đó có xung đột lợi ích.
Những diễn biến gần đây cho thấy, Việt Nam lại bắt đầu phải chống suy giảm kinh tế, để đối chọi với một chu trình mới. Trong khi, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ hiện không còn khả năng thực hiện chương trình kích thích kinh tế, như đã làm năm 2009. Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Vậy thì chúng ta đều nhìn sang chính sách tài khóa. Theo tôi, dư địa của chính sách này còn rất nhiều”.
Theo Tư Giang
TBKTSG