Chính sách mới >> Tài chính 20/04/2012 08:14 AM

Ngân hàng nào sẽ “chết” khi áp trần lãi vay ?

20/04/2012 08:14 AM

Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc áp trần lãi suất đầu vào và đầu ra. Nếu áp trần lãi suất vay có thể sẽ đẩy một số nhà băng vào thế bí.

Bỏ trần lãi suất huy động?

Động thái hạ trần lãi suất huy động xuống 12% và nhiều loại lãi suất điều hành cũng giảm theo vừa qua khiến thị trường tài chính lại rộ lên những ý kiến trái chiều xung quanh trần lãi suất.

Có ý kiến cho rằng đã đến lúc bỏ trần lãi suất đầu vào, bởi lãi suất cho vay đã được NHNN điều hành giảm dần. Bên cạnh đó, bỏ trần lãi suất huy động sẽ giúp giải quyết thanh khoản ở một số ngân hàng.

Tuy nhiên ngay chính NHNN vẫn chưa thể ra quyết định vào lúc này. Lãnh đạo NHNN đã từng phát biểu, sẽ xem xét bỏ trần lãi suất khi tín hiệu kinh tế khả quan hơn.

Một số chuyên gia kinh tế cũng đồng tình, nếu bỏ trần huy động sẽ khiến lãi suất tăng mạnh trở lại do những ngân hàng yếu thanh khoản huy động vốn bằng lãi suất hấp dẫn. Điều này chẳng khác nào lại đẩy thị trường vào cuộc đua lãi suất mới.

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho rằng trong tình hình hiện nay bỏ trần lãi suất là chưa được. Lý do là bởi, huy động vốn và cung cầu vốn hiện nay vẫn còn “méo mó”, rất khó để kiểm soát, ví dụ như kiểm soát cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, nhất là tại những ngân hàng có hoạt động yếu kém. Thứ hai, nếu có bỏ trần thì bỏ trần lãi tiền gửi và vẫn phải khống chế lãi suất cho vay.

“Quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ làm cho các tiêu chuẩn, tiêu chí tương đối ổn định rồi, tạo điều kiện cho các ngân hàng hoạt động bình thường, khi đó cũng sẽ không cần trần lãi suất nữa…”, TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Ngân hàng nào sẽ “chết” khi áp trần lãi vay

Giải pháp để hạ lãi suất đang được nhiều người kỳ vọng vào quá trình tái cấu trúc của NHNN. Tuy nhiên, giảm lãi suất còn phụ thuộc vào các tín hiệu kinh tế khác.

Theo lời lãnh đạo một ngân hàng, nếu lạm phát tăng mà không giảm như kỳ vọng, khả năng lãi suất cũng sẽ khó điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, dù NHNN đã thông báo tình hình thanh khoản của một số ngân hàng đã khá dồi dào nhưng vẫn còn một số nhà băng khác có thể trạng yếu ớt, nên tình trạng lách trần lãi suất huy động vẫn còn, lãi suất đầu ra cũng khó giảm xuống mức hợp lý.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cần chuyển sang áp trần lãi suất cho vay. Hoặc vẫn khống chế trần huy động nhưng phải quay lại áp trần lãi suất cho vay để đảm bảo doanh nghiệp có lợi, đảm bảo hạ được lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh hiện nay chắc chắn vẫn phải còn trần, nhưng phải chuyển từ trần huy động sang trần cho vay. Bởi lẽ, lý do tồn tại trần huy động đã hết, vì một số ngân hàng kém đã bị sáp nhập và đã bị phân nhóm, động lực cạnh tranh kia không còn nữa.

Nếu thực hiện việc áp trần lãi suất cho vay, sẽ đảm bảo được một loạt các mục tiêu, như vẫn giữ được mục tiêu về lãi suất trần huy động. Tức là, chỉ cần khống chế cho vay tức khắc các ngân hàng phải áp trần lãi suất huy động vào, tức là sau khi trừ đi chi phí sẽ có mức trần lãi suất huy động. Bên cạnh đó, sẽ chống trường hợp đi tìm người cho vay cao theo kiểu đấu thầu khiến cho vốn lại bị dồn vào gây ra sự mất an toàn.

Quan trọng hơn nữa là đảm bảo mức lãi suất phù hợp giúp doanh nghiệp không bị thiệt. Vì hiện nay người dân và doanh nghiệp đều thiệt, chỉ ngân hàng được lợi vì hưởng chênh lệch giá.

Khi bỏ trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý bằng công cụ dự trữ bắt buộc và công cụ mua bảo hiểm tiền gửi. Hiện nay ở Việt Nam đang coi nhẹ công cụ này. Tức là ngân hàng nào cho vay nhiều, cho vay rủi ro cao thì bắt dự trữ bắt buộc nhiều hơn và mua bảo hiểm tiền gửi nhiều hơn. Cách làm này sẽ có lợi cho người gửi tiền và bắt ngân hàng phải tính toán lợi ích để cho vay nhiều hay ít, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngân hàng.

PGS.TS Nguyễn Thị Quy, nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, cho rằng trước mắt, từng bước phải giảm lãi suất huy động và tương ứng là lãi suất cho vay. Một thực trạng có thể nhận thấy hiện nay là sự không đồng bộ trong chính sách lãi suất : lãi suất huy động trong một thời gian ngắn giảm 2% , còn lãi suất cho vay vẫn hầu như không có sự điều chỉnh đáng kể. Bởi thế, doanh nghiệp vẫn dửng dưng vì họ chưa thấy được tác động của việc hạ lãi suất huy động đối với lợi ích của doanh nghiệp. Cụ thể là lãi suất cho vay vẫn cao.

PGS.TS Quy đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không đặt vấn đề áp trần lãi suất huy động song song với việc áp trần lãi suất cho vay ? Trong khi chưa thể bỏ được trần lãi suất huy động và việc áp trần lãi suất cho vay chưa được thực hiện thì ít nhất cũng nên cân đối một sự chênh lệch về “giá” vốn huy động và “ giá” cho vay một cách hợp lý. Bỏ trần lãi suất và tiến tới tự do hoá lãi suất là cách thức tốt nhất để đo sức khoẻ các TCTD. Nếu ngân hàng nào khoẻ, không ngại thanh khoản sẽ có mức lãi suất huy động thấp hơn và tiếp đến là sẽ có mức lãi suất cho vay thấp hơn. Ngân hàng đó sẽ phát triển bền vững trong ổn định…”.

Nói ngược nói xuôi, mấu chốt của vấn đề vẫn chính là tính thanh khoản của các ngân hàng. Phần lớn doanh nghiệp rất bức xúc với việc chỉ áp trần lãi suất huy động và không khống chế đầu ra, khiến lợi nhuận phần lớn chỉ để trả lãi ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng yếu thanh khoản chỉ mong bỏ trần lãi suất huy động, còn trần lãi vay vẫn theo thỏa thuận. Nếu khống chế cả đầu ra lẫn đầu vào, coi như cơ chế đã “bó chặt” những ngân hàng yếu thanh khoản.

Thực trạng này cũng là một phần nguyên nhân khiến NHNN chưa thể quyết định áp trần lãi suất vay hay bỏ trần lãi suất huy động. Chỉ khi nào hoàn thành một phần của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khi đó những quyết định này mới có thể được đề cập cụ thể hơn.

Theo Đinh Bách
Vnmedia

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,974

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079