Dư luận hoài nghi, vụ việc của ông Nguyễn Đức Kiên chỉ là một trong rất nhiều đại gia thao túng ngân hàng chưa lộ diện.
Sở hữu chéo và những rủi ro
Trước
những nghi vấn của dư luận về thực trạng nói trên, Ủy ban giám sát tài
chính quốc gia đang có những động thái nhằm giám sát việc sở hữu chéo
ngân hàng với những quy định chặt chẽ hơn. Một chuyên gia ngành tài
chính ngân hàng nhận định: Động thái này của Ngân hàng Nhà nước ở thời
điểm này dù hơi muộn nhưng cần phải làm ngay để bảo đảm tính an toàn cho
thị trường tiền tệ nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Luật
Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định một cổ đông cá nhân không được sở
hữu quá 5% và một tổ chức không quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín
dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, không khó để những người muốn sở hữu tỷ
lệ lớn hơn quy định, họ có thể không cần đứng tên mà vẫn chi phối ngân
hàng thông qua một đối tượng thứ ba. Bởi vậy, lâu nay, trên thị trường
ngân hàng, vẫn diễn ra tình trạng đầu tư "lòng vòng” giữa các ngân hàng
với nhau.
Việc này theo các chuyên gia ngành ngân hàng, không
phải là sai vì không phạm luật. Song nó lại gây ra một tình trạng là sẽ
tạo một nguồn vốn chủ sở hữu ảo, đe dọa đến sự an toàn của toàn hệ
thống. Theo con số báo cáo mà các ngân hàng đưa ra, tỷ lệ an toàn vốn
của các ngân hàng thương mại hiện ở mức "có thể an tâm” khi mà có ngân
hàng có tỷ lệ an toàn vốn trên 30%.
Nếu so với tỷ lệ an toàn vốn
trung bình ở các nước có nền kinh tế mạnh chỉ đạt 8 - 9%, thì tỷ lệ này
của ngân hàng ở Việt Nam là khá cao. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là con số
thực. Nếu thực sự các ngân hàng an toàn vốn 20-30% như báo cáo trên
giấy, thì hoàn toàn có thể tự giải quyết được nợ xấu, không cần sự hỗ
trợ của Chính phủ.
Song thực tế, thời gian qua lại chứng minh
ngược lại: Nợ xấu cao chồng chất và các ngân hàng méo mặt vì nó. Điều
này đặt ra nghi vấn: Những con số an toàn của các ngân hàng phải chăng
chỉ là con số ảo?
Một rủi ro nữa sẽ trở thành hệ lụy của sở hữu
chéo, đó là tình trạng cho vay thiếu kiểm soát có thể tăng mạnh. Chẳng
hạn khi một tổ chức tín dụng lớn chiếm cổ phần chi phối ngân hàng khác
và biến ngân hàng này thành "sân sau” của mình, họ có thể buộc ngân hàng
bị chi phối cấp tín dụng cho những dự án không an toàn hoặc cho doanh
nghiệp có quan hệ thân thiết.
Ngoài ra, khi các ngân hàng sở hữu
cổ phần của nhau, sẽ tạo thành một mạng lưới mà từ đó dễ nảy sinh độc
quyền nhóm. Liên minh ngân hàng này có thể đủ sức mạnh để chi phối lãi
suất, tỷ giá và kể cả chính sách. Điều này có thể gây xáo trộn trên thị
trường và thiệt hại cho nền kinh tế.
Hạn chế đầu tư của các ngân hàng thương mại
Và
như vậy, rõ ràng, sở hữu chéo giữa các ngân hàng là một hình thức dễ
dàng dẫn đến những đổ vỡ cho toàn hệ thống ngân hàng. Vậy nhưng, thời
gian qua, ngành ngân hàng Việt Nam đã quá lỏng lẻo trong việc giám sát
tình trạng này.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Chí
Hiếu, trong khi ở các nước trên thế giới đều có quy định để hạn chế xung
đột lợi ích giữa các cổ đông lớn của ngân hàng và các doanh nghiệp sân
sau thì ở Việt Nam lĩnh vực này chúng ta lại quá "non”, thiếu kinh
nghiệm trong việc quản lý sở hữu chéo nên dễ dàng bị các đại gia "qua
mặt”, họ dễ dàng dùng tiền của dân (lấy từ ngân hàng) để đầu tư.
Mặt
khác, có thể có những ngân hàng mà vốn chủ yếu được tạo nên do được rót
vào bằng tiền gửi tiết kiệm của dân từ ngân hàng trong nhóm. Khi có sự
cố xảy ra, những đổ vỡ hàng loạt (kết cục của sở hữu chéo) là điều khó
tránh khỏi.
Ngoài ra, theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng nhập nhèm giữa chức
năng, nhiệm vụ của ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại ở Việt Nam
hiện nay cũng là một trong những yếu tố gây nguy hại cho toàn hệ thống.
Việc các ngân hàng thương mại tham gia đầu tư là một trong những nguyên
nhân chính dẫn đến các cuộc khủng hoảng tài chính thời gian qua.
Và
như vậy, theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, nếu tiếp tục buông
lỏng trong quản lý cũng như thiếu chặt chẽ trong giám sát, ngành ngân
hàng sẽ dễ dàng trở thành "miếng bánh ngon” để các nhóm quyền lực thao
túng. Mà hậu quả của nó (khi những nhóm quyền lực bị xung đột về lợi
ích) thì không thể lường trước được sự đổ vỡ của nó sẽ lớn đến mức nào.
Theo Duy Phương
Đại đoàn kết