Vàng luôn là đề tài nóng trong thời gian dài vừa qua. Giá vàng thế giới biến động tạo ra nhiều đợt sóng gây mỏi mệt cho nền kinh tế các nước. Vàng nhảy múa là câu chuyện của cả thế giới nhưng sở dĩ câu chuyện vàng trong nước nóng là vì nó luôn nhảy… lạc điệu! Nó không những lạc điệu chuyện giá cả mà cả ở chuyện cơ chế chính sách.
Cụ thể, trong lúc nhà nước đang
dần xóa bỏ bao cấp, phải trả giá bằng cách chịu ảnh hưởng đến chỉ số lạm
phát khi buông giá xăng theo cơ chế thị trường. Mọi nỗ lực của nhà nước
là hướng đến xây dựng một nền kinh tế mở, theo cơ chế thị trường. Thế
nhưng, riêng quản lý vàng thì đi ngược.
Từ một cơ chế thị trường chuyển thành cơ chế độc quyền quản lý vàng khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý kinh doanh vàng miếng ra đời, giao cho Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất, dập đúc vàng miếng SJC. Thế là các thương hiệu vàng khác bị dập tắt. Trong khi đó, nếu tuân theo cơ chế thị trường, nhà nước cần quy định chất lượng vàng để các doanh nghiệp tự cạnh tranh, nhà nước chỉ thực thi vai trò kiểm soát.
Nguyên nhân ra đời nghị định mang tính độc quyền này là do thời điểm đó giá vàng trong nước quá cao, cao hơn so với giá vàng thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng. Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều người thu gom ngoại tệ chợ đen để buôn lậu vàng, khiến đồng USD sốt giá.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khoảng từ 400.000 đồng đến 500.000 đồng/lượng là hợp lý. Do vậy, Nghị định 24 ra đời nhằm điều tiết giá, chống chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Đồng thời thống nhất thương hiệu vàng quốc gia SJC nhằm chống nhập lậu vàng, ổn định tỷ giá ngoại tệ. Một lập luận có vẻ vòng vo, không giải quyết trực tiếp vấn đề: chống buôn lậu vàng, chống mua bán USD chui và tăng nhập khẩu để hạn chế chênh lệch giá vàng…
Chính những lý luận chưa thuyết phục ấy đã dẫn đến nhiều tranh cãi ngay khi nghị định manh nha nhưng rồi đến khi nghị định có hiệu lực một thời gian, giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới đến 3 triệu đồng/lượng; trên thị trường manh nha tình trạng giả thương hiệu vàng SJC. Lý do để ngụy biện cho giá vàng trong nước “lạc điệu” với thế giới lại là do “sốt” tính thanh khoản vì sắp đến hạn các ngân hàng ngừng huy động vàng. Điều này càng khó thuyết phục khi “độc quyền vàng” đã giao về cho Ngân hàng Nhà nước, rồi cái khó cũng chính từ các ngân hàng.
Như vậy vai trò “nhạc trưởng” của Ngân hàng Nhà nước ở đâu? Trong khi đó, chính sách cứ lủng củng, thời hạn các ngân hàng ngừng huy động vàng ban đầu là 1-5-2012, sau đó gia hạn đến 25-11-2012. Nếu bây giờ vì những lý do ấy để gia hạn tiếp thì còn gì là kỷ cương?
Việc nhà nước tổ chức lại thị trường để có sự cạnh tranh, để theo dõi quản lý toàn bộ thị trường vàng là điều cần thiết. Nhưng tạo ra một cơ chế độc quyền trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng chắc hẳn sẽ phát sinh những méo mó, những nghi hoặc về lợi ích cục bộ, do vậy cần phải được nhìn nhận lại.
Theo Hàn Ni
SGGP