Ảnh minh họa |
Đây là nội dung chính trong báo cáo "Triển vọng kinh tế" mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 27/11.
Trong báo cáo được soạn thảo trước khi Eurozone và Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) đạt được thỏa thuận giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trị giá 43,7 tỷ Euro trong gói cứu trợ 130 tỷ Euro mà các chủ nợ quốc tế nhất trí dành cho Hy Lạp, OECD hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm tới xuống còn 1,4%, từ mức 2,2% dự báo trước đó.
Theo OECD, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt mức tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2,0% năm 2013, so với dự báo công bố hồi tháng Năm lần lượt là 2,4% và 2,6%.
Đối với Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng trưởng ở mức 1,6% trong năm nay và 0,7 trong năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 2,0% và 1,5%.
Trong khi đó, nền kinh tế Eurozone hai năm này sẽ sụt giảm 0,4% và 0,1%. Dự báo trước đó cho rằng nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ lần lượt sụt giảm 0,1% năm nay, trước khi tăng trưởng 0,9% vào năm sau.
Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này cũng sẽ tăng so với dự đoán trước đó, sẽ là 11,1% năm nay và 11,9% năm tới. OECD cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Braxin từ năm 2012 đến 2014 lần lượt là 1,5%; 4,0% và 4,1%, Trung Quốc 7,5%; 8,5% và 8,9%, Ấn Độ 4,4%; 6,5% và 7,1%.
Ngoài ra, theo OECD, tình trạng bế tắc về vấn đề chi tiêu ngân sách ở Mỹ, nơi các biện pháp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2013, nếu các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ không đạt được thỏa hiệp, cũng là mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động kinh tế toàn cầu. Do vậy, số phận nền kinh tế thế giới trong năm tới phần lớn phụ thuộc vào khả năng các nhà lãnh đạo chính trị ở châu Âu và Mỹ đối phó với vấn đề nợ công và hoạt động kinh doanh đình đốn.
Nguyễn Chiến