Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu về tăng trưởng tín dụng và cơ cấu tăng trưởng theo các lĩnh vực ưu tiên và không khuyến khích.
Dữ liệu cập nhật cho thấy, tính đến 25/9/2012, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở mức 2,56% so với 31/12/2011. Trong đó, tín dụng VND tăng 4,49%, tín dụng bằng ngoại tệ và vàng giảm 5,2%.
Giảm dần tín dụng bằng ngoại tệ và vàng cũng là định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua; thậm chí có thể tiến tới ngừng hẳn trong một tương lai gần.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng thấp nhưng đã được lái tập trung cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp như vậy, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho rằng là tích cực khi cơ cấu đã có sự dịch chuyển tập trung cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên; và ngược lại, tín dụng bằng ngoại tệ và phi sản xuất được kiểm soát phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2012, tín dụng xuất khẩu đã tăng 10,76% so với cuối năm 2011; tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 3,82%; tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng 7,15%. Nhóm lĩnh vực này đều có tốc độ cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của hệ thống.
Trong khi đó, tín dụng “phi sản xuất” theo cách gọi trước đây đối với tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản lại giảm 1,1%; chiếm tỷ trọng 14,21% trong tổng dư nợ, giảm 0,49% so với tỷ trọng 14,7% của cuối năm 2011.
Theo lĩnh vực cụ thể, tính đến 31/8/2012 so với cuối năm 2011, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 3,43%; dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng nhẹ 0,44%; dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 2,22%. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng các nhóm này đều thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn hệ thống.
Trên cơ sở quy mô tổng dư nợ của nền kinh tế mà Ngân hàng Nhà nước cập nhật định kỳ gần đây, với tỷ trọng 14,21% nói trên, ước tính hiện có hơn 400.000 tỷ đồng cho vay ở lĩnh vực “phi sản xuất”.
MINH ĐỨC