Chính sách mới >> Tài chính 15/02/2013 14:50 PM

Nỗi buồn CTCK năm Nhâm Thìn

15/02/2013 14:50 PM

Năm Nhâm Thìn vừa qua, các CTCK tiếp tục đón nhận hàng loạt biến cố như điềm báo về “hồi cáo chung” của hơn ½ công ty đang có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, TTCK đang tốt dần lên, chính sách đã dần chặt chẽ hơn, liệu điều này có giúp vực dậy những thành viên của thị trường sau bao năm dài khó khọc?

6,000 tỷ đồng thua lỗ

Thống kê sơ bộ trong khoảng 85 CTCK công bố kết quả kinh doanh năm 2012, có khoảng 48 công ty thông báo lợi nhuận dương với tổng cộng gần 1,530 tỷ đồng, khả quan hơn so với con số 35 công ty của năm 2011, với giá trị lợi nhuận chỉ khoảng 896 tỷ đồng.

 

 

Trong khi đó, số công ty lỗ cũng giảm đáng kể từ 57 xuống còn 37 và mức lỗ cũng giảm từ hơn 3,500 tỷ đồng xuống còn 613 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, nhìn lại số lỗ lũy kế hơn 6,000 tỷ đồng của gần 60 CTCK mới thấy rằng chặng đường gian nan của các CTCK vẫn còn rất dài để khắc phục khoản lỗ trên và tìm lại sự phát triển. Điển hình về lỗ lũy kế vượt xa vốn điều lệ là trường hợp của Chứng khoán Sacombank (SBS) và Chứng khoán Cao su (đã đổi tên thành Chứng khoán Delta) với vốn chủ sở hữu âm lần lượt là 245 tỷ đồng và 8 tỷ đồng. Trong đó, SBS đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết và giải thể công ty khi mà các phương án tái cấu trúc đều bị cổ đông bác bỏ hồi tháng 11/2012.

 

Bỏ môi giới và chấm dứt tư cách thành viên

Tiếp theo một vài trường hợp xin rút nghiệp vụ môi giới trong năm 2011, bước sang năm 2012 với tình hình kinh doanh gặp vô vàn khó khăn, thanh khoản có phiên chưa đến 300 tỷ đồng khiến nhiều công ty chứng khoán nhỏ buộc lòng phải rút nghiệp vụ môi giới, lưu ký, thậm chí xin chấm dứt tư cách thành viên ở hai Sở và Trung tâm Lưu ký nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.

 

Ảnh minh họa

 

Cụ thể, dù chưa hết năm nhưng đã có 3 công ty rút nghiệp vụ môi giới gồm Chứng khoán Trường Sơn (TSS), Chứng khoán SME (SME), Chứng khoán Hà Nội (HSSC)… Một loạt công ty chấm dứt tư cách thành viên hai Sở, có cả tự nguyện và bắt buộc như Chứng khoán Âu Việt (AVS), Chứng khoán Sao Việt (SVS), Chứng khoán An Phát (APG), Chứng khoán Trường Sơn (TSS), Chứng khoán SME (SME), Chứng khoán Tràng An (TAS). Ngoài ra, Chứng khoán Nam An (NASC) cũng vừa họp ĐHĐCĐ để xin rút lui khỏi hai Sở.

 

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, việc CTCK ồ ạt rút môi giới và chấm dứt tư cách thành viên các Sở là cách để họ tháo chạy khi Thông tư 165/2012 sửa đổi một số điều của Thông tư 226/2010 quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính cho các công ty chứng khoán có hiệu lực từ 01/12/2012 nhằm tránh bị rút giấy phép do không đáp ứng được các chỉ tiêu.

 

Ngoài ra, trong năm 2012, thị trường cũng chứng kiến CTCK Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG) rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, CTCK Viễn Đông (VDSE) và CTCK Việt Tín (VTSS) rút nghiệp vụ tự doanh.

 

Nhiều CTCK lừa đảo và nhiều sếp chứng khoán bị bắt

 

 

Thị trường lao dốc, nhiều tài khoản đầu tư hay thậm chí “vay mượn” trên tài khoản khách hàng bị “cháy” và cũng nhiều trường hợp bị phanh phui. Nhà đầu tư đua nhau khiếu kiện CTCK, đơn cử là Chứng khoán SBS và Chứng khoán Tràng An (TAS), Chứng khoán Trường Sơn (TSS)… bị kiện vì thất thoát tiền, thậm chí chiếm đoạt tiền trong tài khoản nhà đầu tư bằng nhiều thủ đoạn.

 

Kết cục của những kiểu làm ăn gian dối này là Nguyên Chủ tịch và Phó Chủ tịch của SME, Chủ tịch của RUBSE đều lần lượt bị bắt, còn ban lãnh đạo cũ của SBS bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

 

Gần đây thị trường lại rộ lên thông tin cơ quan điều tra bắt tạm giam Phan Thiên Hậu, Trưởng phòng môi giới CTCK Viễn Đông để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và truy tìm Nguyễn Thanh Hào, nguyên Trưởng phòng CTCK Phương Đông về hành vi tương tự.

 

Đặc biệt, những ngày cuối năm Nhâm Thìn, cơ quan điều tra Hà Nội đã có lệnh bắt và khởi tố ông Lê Hồ Khôi, nguyên Tổng Giám đốc của TAS vì có hành vi chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Hiện Cơ quan CSĐT Công an Hà Nội đang tiếp tục làm rõ hành vi chiếm đoạt cổ phiếu và tiền cổ tức của trên 15.000 tài khoản của khách hàng là cá nhân mở tại công ty này.

 

Ngoài ra, năm 2012 thị trường cũng đình đám vụ CTCK TPHCM – HSC (HOSE: HCM) quản lý không chặt chẽ, để nhân viên môi giới cho khách hàng vay chứng khoán bán khống, trái quy định của luật, dẫn đến khiến nại của nhà đầu tư. Kết quả, HSC và các nhân viên này đều bị phạt nặng đến hàng trăm triệu đồng, đồng thời các cá nhân còn bị rút chứng chỉ hành nghề môi giới.

 

Đua nhau vào diện kiểm soát

Năm 2012 cũng là năm có nhiều CTCK bị rơi vào diện kiểm soát nhất. Đã có tổng cộng 11 CTCK bị kiểm soát đặc biệt và 3 công ty ở mức bị kiểm soát.

 

Đánh giá về báo cáo chỉ tiêu an toàn tài chính của các CTCK, UBCK cho rằng mức độ chính xác không cao, điều này ảnh hưởng đến việc phân loại có nhiều khó khăn. Vì vậy, UBCK đã trình Bộ Tài chính sửa Thông tư 52 về công bố thông tin.

 

Ngoài ra, tình trạng mất thanh khoản, không đủ tiền để thanh toán các khoản bù trừ với Trung Tâm lưu ký, điển hình là các trường hợp của TAS, GBS… dẫn đến việc 3 CTCK bị đình chỉ hoạt động và 4 CTCK bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán.

Ánh sáng cuối đường hầm

Với vô vàn khó khăn của CTCK, cơ quan quản lý cũng đã có những biện pháp để giải quyết tình trạng này.

 

 

 

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài Chính ban hành Quyết định số 62/QĐ-BTC ngày 10/01/2012 phê duyệt Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán trong đó chia các công ty chứng khoán thành 3 nhóm với tỷ lệ vốn khả dụng và mức lỗ lũy kế khác nhau.

 

Bên cạnh đó, Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/09 cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn tại CTCK. Nhà đầu tư tưởng chừng đây là một cách để vực dậy các CTCK nhờ nguồn vốn ngoại nhưng đến nay Nghị định này vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chưa nhà đầu tư ngoại nào được chi phối hoàn toàn một CTCK tại Việt Nam.

 

Những ngày cuối năm, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Một trong các giải pháp là phân loại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo 4 nhóm trên cơ sở mức độ rủi ro đối với thị trường để có biện pháp xử lý thích hợp.

 

Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng ban hành Thông tư số 211/2012/TT-BTC quy định khá chi tiết về việc thành lập, hoạt động cũng như giải thể CTCK. Đặc biệt, Thông tư đề cập đến một số trường hợp cho phép CTCK xin giải thể trước hạn hoặc phá sản. Đây được xem là bước đi cụ thể hóa Đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán do Thủ tướng vừa thông qua hướng đến thu hẹp số CTCK trên thị trường.

 

Hàng loạt giải pháp được ban hành, nhiều người kỳ vọng quá trình tái cơ cấu CTCK sẽ thông suốt hơn trong năm Quý Tỵ 2013 khi mà tình trạng “sống không được mà chết cũng không xong” sẽ được giải quyết nhờ quy định mới. Theo đó, UBCK được phép áp dụng biện pháp mạnh tay nhất là ra quyết định yêu cầu CTCK và các bên có liên quan thực hiện thủ tục giải thể, phá sản nếu CTCK không đáp ứng được các chuẩn hoạt động mới.

 

Viết Vinh (Vietstock)

FFN


Chia sẻ bài viết lên facebook 3,792

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079