Chính thức từ phiên giao dịch hôm nay (15/1/2013), biên độ hai sàn sẽ được nới lên cao nhất kể từ khi thành lập hai Sở giao dịch. Theo đó, sàn HoSE sẽ có biên độ ±7%, sàn Hà Nội có biên độ ±10%. Biên độ này đã được điều chỉnh 8 lần trên sàn HoSE kể từ tháng 6/2001 và 5 lần trên sàn Hà Nội kể từ 8/3/2005 – 27/3/2008.
Như vậy, độ biến động của thị trường sẽ được nới rộng, và chỉ cần một phiên đảo chiều trên sàn Hà Nội cũng có thể khiến nhà đầu tư “đi tong” 20% ngay trong ngày. Thông thường nếu theo lý thuyết, nhà đầu tư sẽ cắt lỗ khi giá cổ phiếu mất 15%, tuy nhiên với độ rộng của thị trường như hiện nay, việc quản lý rủi ro của nhà đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ở chiều ngược lại, chứng khoán cũng trở nên hấp dẫn hơn với cơ hội kiếm lợi nhuận vượt trội hơn các kênh đầu tư khác. Không một kênh tiết kiệm nào kiếm được 7%-10%/ngày.
Theo đánh giá của phòng phân tích CTCK ACBS, ACBS cho rằng việc nới rộng biên độ có thể giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn trong phiên hơn và làm tăng thanh khoản của thị trường. Đây là điều rất tích cực, làm giảm rủi ro thanh khoản.
Tuy nhiên thị trường đã tăng khá nóng trong thời gian vừa qua và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra, các mức giá sẽ trở nên hấp dẫn trở lại (VN-Index khoảng 420 điểm và HNX-Index khoảng 57). Trong ngắn hạn, mức giá rẻ, hấp dẫn được xác định chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trong đó, yếu tố thị trường vừa qua tăng bao nhiêu điểm, trong bao lâu, mạnh hay từ từ … sẽ tác động mạnh đến mức giá tâm lý hơn là biên độ giao dịch trong phiên.
Hiện tại, đa số nhà đầu tư vẫn chưa sử dụng tới mức giới hạn tỷ lệ margin 40-60, do đó, việc tăng tỷ lệ này lên 50-50 có thể sẽ không có nhiều tác động. Tương tự, dư nợ hiện tại của nhóm phi sản xuất cũng chưa đạt đến mức trần 16% trên tổng dư nợ. Tuy nhiên, trong tương lại, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của nhà đầu tư, các thay đổi nói trên sẽ làm cải thiện nhiều dòng tiền đi vào thị trường.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Bình, Phụ trách phòng Tư vấn đầu tư CTCPCK Đầu tư Việt Nam (IVS), việc UBCK tăng biên độ giao dịch cho thấy sự lạc quan của UBCK về TTCK và những cam kết hỗ trợ đối với thị trường này. Theo quan điểm cá nhân của ông Bình, việc NĐT trải qua cả một quãng thời gian rất dài trong một thị trường giảm điểm nên tâm lý của họ sẽ chưa thể mạo hiểm chấp nhận ngay biên độ này mà họ cần có thêm thời gian để thích nghi. Mở rộng biên độ mang đến cơ hội nhưng kèm theo đó là những rủi ro. Chúng ta còn nhớ sự kiện ngày 21/8/2012, nếu với biên độ này thì TTCK không chỉ bốc hơi hơn 4 tỷ $ mà con số còn nhiều hơn thế. Mức độ giảm càng nhanh càng khiến nhiều người muốn nhanh tay cắt lỗ.
Chúng ta cũng đã thấy, trong giai đoạn cuối năm 2007 và đầu năm 2008, cũng với biên độ này TTCK giảm nhanh như thế nào và buộc UBCK phải thay đổi từ 5% về 1% với HOSE và từ 10% về 2% sàn HNX. Vì thế, ngoài việc tăng biên độ thiết nghĩ UBCK nên có thêm biện pháp phòng hộ khác khi có một sự rủi ro đột biến xảy ra.
Việc mở rộng biên độ sẽ buộc NĐT cần phải tính toán kỹ hơn và tuân thủ nghiêm ngặt hơn các chiến lược đầu tư của mình. Đồng thời các Công ty Chứng khoán cũng cần phải lượng hóa rõ các rủi ro có thể xảy đến, nhất là các khoản cho vay.
Trao đổi với Cafef về việc nới biên độ rộng như vậy có khiến thị trường tăng tính đầu cơ, ông Phạm Thành Trung, Trưởng phòng Môi giới khách hàng trong nước, CTCP Bản Việt (VCSC) cho rằng, trong bất kỳ thời điểm nào cũng có tính đầu cơ, hiện tâm lý của nhà đầu tư đang chờ đợi của phản ứng của thị trường đối với việc mở biên độ giao dịch, tuy nhiên theo đánh giá của ông Trung việc tăng biên độ thời gian này là tốt và nếu có điều chỉnh cũng chỉ điều chỉnh nhẹ.
Phương Mai – Thanh Hương
Theo CafeF