Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết từ 13/5 ngân hàng này sẽ thực hiện việc giảm lãi suất cho cả khoản nợ cũ và những ngành nghề ưu tiên ở mức từ 6,5-13%/năm.
Còn đại diện Ngân hàng NNPTNT (Agribank) cho biết ngân hàng này sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tối đa là 10%/năm từ ngày 13/5. Ngoài ra, Agribank còn triển khai các gói vay ưu tiên có mức lãi suất từ 6-8%/năm; cho vay trung và dài hạn với lãi suất tối đa là 11,5%/năm; đối với những lĩnh vực không ưu tiên và các khoản vay cũ được áp mức lãi suất từ 12,5-13%/năm.
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tất cả các khoản dư nợ cũ sẽ được hạ lãi suất xuống dưới 13%/năm từ ngày 13/5. Hiện ngân hàng này không còn dư nợ với mức lãi suất trên 15%/năm trong khi dư nợ lãi suất 13-15%/năm còn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm hiện còn chiếm khoảng 14% tổng dư nợ trên toàn hệ thống ngân hàng. |
Một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phân tích điểm khác biệt của việc điều hành lãi suất lần này là giảm lãi suất cho vay chứ không giảm trần lãi suất huy động, để các ngân hàng thương mại tự chủ động, cơ cấu nguồn vốn cũng như đảm bảo khả năng thanh khoản theo kế hoạch kinh doanh.
Thông thường, lãi suất cho vay trung, dài hạn được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với khoảng 3%, sẽ được định giá lại trong 3-6 tháng tùy vào tình hình cho vay. Vì vậy, việc giảm lãi suất cho vay có độ trễ, nếu hiện giờ đang lãi suất cho vay trên 13%/năm thì tối đa 3 tháng sau sẽ giảm xuống dưới mức này do lãi suất huy động 12 tháng đã giảm
Huy Thắng