Cuộc mua bán nợ đầu tiên
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thường trực VAMC cho biết, trước đó, Agribank đã trình VAMC 27 khoản vay của 11 khách hàng, với giá trị món nợ trung bình 50 tỷ đồng/món trong các lĩnh vực sản xuất, bất động sản, kinh doanh, nhà máy xi măng… Sau khi kiểm tra, VAMC đồng ý mua lại các khoản nợ này tại đợt 1. Tổng dư nợ gốc dự kiến bán là 2.534 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản đảm bảo của các khoản vay là 3.638 tỷ đồng, tổng dự phòng cụ thể đã trích chưa sử dụng là 772 tỷ đồng, tổng giá bán dự kiến các khoản vay cho VAMC là 1.723 tỷ đồng.
“Việc bán các khoản nợ xấu cho VAMC sẽ giúp Agribank hạch toán giảm được 2.534 tỷ đồng nợ xấu. Số tiền này tương đương giảm được 7,5% trên tổng nợ xấu trong hệ thống Agribank”, lãnh đạo Agribank nói và chia sẻ, trái phiếu đặc biệt do VAMC thanh toán cho Agribank được sử dụng để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN), sau đó cho vay nông nghiệp, nông thôn, giúp các DN, hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn.
Trong số nợ bán cho VAMC, VAMC ủy quyền cho Agribank thực hiện một số hoạt động quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ; đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm. Đồng thời, VAMC và Agribank sẽ tạo thuận lợi hơn cho các DN phát triển sản xuất - kinh doanh, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Bước tiến lớn, nhưng...
Đặt câu hỏi với các ngân hàng khác về việc đã có giao dịch mua, bán nợ đầu tiên của Agribank với VAMC, ngân hàng có muốn bán nợ không, câu trả lời mà ĐTCK nhận được là “vừa có, vừa không”, bởi phụ thuộc vào chất lượng nợ xấu bán đi như thế nào, quyền và nghĩa vụ của ngân hàng sau khi bán nợ như thế nào…
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cho hay, các giao dịch mua bán nợ thông thường vẫn được thực hiện từ trước đến nay. Cách thực hiện như sau: bên bán (ngân hàng) chào khoản nợ xấu, bên mua sẽ đánh giá và thương lượng (chủ yếu là thương lượng về giá và quy trình chuyển giao tài sản). Sau khi đồng ý sẽ tiến hành thực hiện mua bán theo kỹ thuật thông thường.
“Mục đích của cơ chế mua bán nợ là để cắt khối nợ xấu ra khỏi ngân hàng. Các văn bản điều chỉnh hoạt động mua bán nợ gồm Nghị định 58, Thông tư 19, Chỉ thị 04 và Quy trình mua bán nợ vừa được ban hành. Tuy nhiên, các văn bản này chưa đảm bảo được nguyên tắc “thuận mua, vừa bán” thông thường và không thực sự đảm bảo việc cắt khoản nợ xấu ra khỏi ngân hàng”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đồng quan điểm này, phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP phân tích: bên bán phải bán nợ; bên mua mua xong nhưng không có trách nhiệm, nghĩa vụ đến cùng về khoản nợ (vì có thời hạn 5 năm), bên bán vẫn phải tiếp tục thu nợ; bên bán phải trích dự phòng rủi ro 20%/năm, mặc dù đã bán nợ… Bên cạnh đó, các quy định về phân loại nhóm nợ và hạch toán chưa có.
“Ngân hàng tôi không có nhiều nợ xấu phải mua bán nợ theo quy định. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn mong muốn bán một số khoản nợ xấu, nếu các quyền và nghĩa vụ được đảm bảo một cách công bằng, hợp lý”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ.
Ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam nêu quan điểm, thách thức của nền kinh tế Việt Nam về cơ bản là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nhưng thời gian gần đây, NHNN đã có những bước đi rất tích cực sau khi bình ổn được hệ thống các NHTM. NHNN đã bơm vốn, hỗ trợ các NHTM trong việc tái cơ cấu, sáp nhập 8 trong số 9 ngân hàng yếu kém. Đặc biệt, việc thành lập VAMC và mua, bán khoản nợ đầu tiên với Agribank là một bước tiến lớn trong xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, ông Dominic cho rằng, để xử lý hiệu quả nợ xấu, cần trả lời được các câu hỏi: một là, lượng vốn có đủ để xử lý nợ xấu hay không, vì hiện tại chưa biết được chính xác con số nợ xấu là bao nhiêu; hai là, khoản vay không có tài sản thế chấp của DNNN như Vinashin sẽ được xử lý như thế nào, có vừa thực hiện tái cơ cấu DNNN hoặc tái cấp vốn cho các NHTM không? Ngoài ra, chuyển tài sản thế chấp sang VAMC đòi hỏi quy định, chính sách dưới luật cũng như những điều luật không nằm trong thẩm quyền trực tiếp của NHNN như Luật Phá sản, Luật Đất đai…, bởi phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản. Bên cạnh đó, trong việc bán đấu giá, cần có cơ chế rõ ràng để định giá sát theo giá thị trường, như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư.
“Gốc rễ của việc giải quyết nợ xấu liên quan đến tái cơ cấu DNNN. 6 tháng trước, tôi nói nhiều đến việc thúc đẩy tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng. Cho đến hôm nay, chúng ta đã có rất nhiều thay đổi, nhiều điều để nói trong việc cải cách hệ thống ngân hàng, nhưng cải cách DNNN chưa thấy tiến triển. Chỉ riêng NHNN sẽ không thể xử lý được câu chuyện nợ xấu, mà đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác”, ông Dominic nhấn mạnh.
Nhuệ Mẫn
Theo Đầu tư chứng khoán