Chủ tịch Nước thăm hỏi bà con cử tri quận 3, TPHCM chiều ngày 2.12.
Các cử tri bày tỏ phấn khởi trước thành công của kỳ họp thứ 6, giải quyết được nhiều vấn đề lập hiến, lập pháp và kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều cử tri còn bày tỏ sự lo lắng, không hài lòng về công tác chống tham nhũng, sự “phình ra” của đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là phần trả lời chất vấn của một số bộ trưởng...
Trả lời, tiếp thu ý kiến cử tri, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói: “Mỗi lần tiếp xúc cử tri, xuống với dân thế nào cũng bị bà con phê bình, nhưng tôi cảm ơn bà con, vì bà con đã chỉ ra những cái còn thiếu sót, giúp sức để giúp chúng tôi làm tốt hơn”.
“Thật đau lòng khi nghe: “Phát biểu gì cũng được, trừ tham nhũng””
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) bày tỏ: “Vừa rồi theo dõi kỳ họp QH tôi thấy thật đau lòng khi nghe một ĐB nói rằng, ra đó phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng..., người ta sợ đấu tranh, sợ đối mặt với tham nhũng như vậy ư? Vì nói như vị ĐB kia, mình phát biểu, sau mình xin, ai cho, tham nhũng có quyền lớn lắm!".
Cử tri Vũ Ngọc Bình (P.7, quận 3) cũng bức xúc: "Thưa đồng chí Chủ tịch Nước, chúng ta đã nói rất nhiều về chống tham nhũng nhưng kết quả chẳng đáng là bao, niềm tin của người dân ngày một giảm. Sắp tới mình lại phát hành trái phiếu, với số nợ tính đến con số triệu tỉ mà các tập đoàn, tổng công ty gây ra kia, số tiền phát hành trái phiếu sắp tới sẽ nằm ở đâu? Cứu ai? Ngân sách nhà nước vẫn phải đều đều nuôi dưỡng số lượng công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về?".
Trả lời cử tri, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nói: "Chúng ta đã phát hiện ra 60 vụ án tham nhũng, đang xử lý 8 vụ. Công tác chống tham nhũng đáng khen ở chỗ là gần đây có xử lý nghiêm, nhưng chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào sự thật là vẫn còn tồn đọng, những việc chưa làm được rất lớn.
Hiện nay, chúng ta đã ban hành các văn bản xử lý vấn đề tham nhũng, hy vọng cô bác theo dõi, xem xét xử lý đến đâu, ghi nhớ, nếu không hài lòng đến khi gặp gỡ chúng tôi thì nói. Cả đất nước phát hiện 60 vụ tham nhũng, nói ra cũng không có gì vĩ đại nhưng với tinh thần đó, cố gắng đấu tranh, phát hiện thêm".
"Về khoản nợ mấy trăm ngàn tỉ mà bà con vừa nêu đó bao gồm cả nợ vay để đầu tư kinh doanh, mà trong làm ăn, vay nợ là bình thường. Khoản nợ xấu trên 100 nghìn tỉ mới đáng lo, nhưng cũng nói với bà con là nợ xấu không phải mất hết, mà chúng ta vẫn có thể đòi được phần nào" - Chủ tịch Nước nói.
"Chỉ 1% số cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về là không đúng"
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn và không hài lòng với công tác quy hoạch cán bộ, tinh giản đội ngũ cán bộ viên chức, đặc biệt là khẳng định "Chỉ 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ” của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Cử tri Hồ Văn Chính (quận 3) nói: "Hiện nay bộ máy hành chính cồng kềnh quá mức. Các vị cứ xuống phường, quận mà xem". Cử tri Nguyễn Hữu Châu (P.7) cho rằng: "Nhận định chỉ 1% số công chức viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, gây bức xúc cho nhân dân, nếu 99% còn lại làm được việc thì Đảng và Nhà nước đã không cảnh báo tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ".
Vấn đề chạy chức, quy hoạch cán bộ, công chức, sự phình ra của bộ máy khiến cử tri bức xúc. "Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, Đảng nói rất chặt chẽ, khoa học sao loại cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ vẫn tồn tại trong cơ quan nhà nước, giảm biên chế nhưng giảm thế nào?
Công tác thi tuyển công chức cứ tưởng là chặt chẽ lắm, nhưng thực chất là người dân có tài, có đức không tài nào vào được cửa công quyền, toàn là được "cơ cấu" trước thôi, nhiều người không có tài có đức, nhưng do được "cơ cấu" nên lên, chính những người này gây ra sự lãng phí" - cử tri Lâm Ngọc Mạnh (P.12, Q.3) nêu ý kiến.
Trả lời những bức xúc của cử tri, Chủ tịch Nước nói: "Nói thật chỉ 1% số cán bộ yếu kém thì mắc gì ra Nghị quyết Trung ương 4, bàn lên họp xuống tốn kém, kiểm điểm, chắc chắn không phải 1%. 10 năm qua, số lượng biên chế tăng liên tục, cực kỳ nhanh. Nguyên nhân cơ bản là khi phân cấp quản lý thì trung ương chịu kiểm soát, tổng chi ngân sách thì trung ương lo, quyết định về tăng biên chế thì địa phương quyết định. Rất mâu thuẫn, khập khiễng trong xây dựng thể chế cho đất nước.
Từ đây sắp tới không được tăng biên chế nữa, đây là tiền đề để cải cách chế độ tiền lương. Từ nay, mong bà con giám sát, báo cáo cho chúng tôi chỗ nào tăng vô lý, cái này không có gì bí mật cả. Có dịp tôi sẽ hỏi lại, thống kê từ đâu, như thế nào mà ra 1%, một bộ phận không nhỏ thì không thể là 1% được!".
Công tác giám sát cần loại bỏ ngay việc làm chính sách phục vụ cho lợi ích nhóm.
"Quốc hội cần giám sát chặt chẽ việc ban hành các nghị định của Chính phủ, văn bản, thông tư liên tịch của các bộ, hội đồng nhân dân các cấp tăng cường công tác giám sát lực lượng công an, tránh oan sai... Luật là thể chế, xây dựng không khó, người thực hiện nó mới quan trọng. Nhiều cán bộ có những động tác như cài cắm các điều phục vụ cho lợi ích nhóm của họ vào trong luật, văn bản dưới luật, công tác giám sát cần loại bỏ ngay việc làm chính sách phục vụ cho lợi ích nhóm" - cử tri Nguyễn Xuân Minh, P.7, Q.3.
Theo Lao động