Thủ tục giải quyết ưu đãi giáo dục của người có công cách mạng

10/08/2022 11:51 AM

Tôi thuộc đối tượng người có công cách mạng nhưng có số vấn đề trong chế độ ưu đãi giáo dục của tôi. Xin hỏi quy trình đề nghị giải quyết chế độ giáo dục của người có công cách mạng là như thế nào? Minh Tú - Cần Thơ

Thủ tục giải quyết chế độ giáo dục của người có công cách mạng

1. Người có công cách mạng là ai?

Căn cứ theo Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định người có công với cách mạng bao gồm:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Liệt sĩ;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993;

- Người hưởng chính sách như thương binh;

- Bệnh binh;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;

- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

- Người có công giúp đỡ cách mạng.

2. Hồ sơ xác nhận giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục đối với người có công cách mạng

- Đơn đề nghị hưởng chế độ ưu đãi đối người có công cách mạng theo Mẫu số 20 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP

Đơn đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo

- Giấy xác nhận hưởng chế độ ưu đãi đối người có công cách mạng theo Mẫu số 41 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP

Giấy xác nhận đang theo học tại cơ sở giáo dục

(Điểm a Khoản 1 Điều 97 Nghị định 131/2021/NĐ-CP)

3. Thủ tục đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục đối người có công cách mạng

3.1. Trường hợp người có cách mạng do quân đội, công an quản lý

Bước 1: Gửi hồ sơ

Cá nhân gửi đơn đề nghị kèm giấy xác nhận đến cơ quan, đơn vị quản lý người có công vào đầu năm học đầu tiên của giáo dục phổ thông hoặc đầu khóa học của giáo dục nghề nghiệp, đại học.

(Khoản 1 Điều 97 Nghị định 131/2021/NĐ-CP)

Bước 2:  Cơ quan, đơn vị quản lý người có công thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, có trách nhiệm đề nghị cơ quan quản lý hồ sơ xác nhận và gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học thường trú kèm theo bản sao hồ sơ người có công.

(Khoản 1 Điều 97 Nghị định 131/2021/NĐ-CP)

Bước 3: Kiểm tra và xác nhận đơn

- Cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người có công cấp trung đoàn và tương đương trở lên, trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ tại Mục 2, có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận đơn, có văn bản kèm theo giấy tờ nêu trên đề nghị cấp trên trực tiếp (cấp sư đoàn và tương đương trong thời gian 03 ngày), gửi đến cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ người có công.

- Cơ quan chính trị đơn vị trực thuộc Bộ nơi quản lý hồ sơ người có công, trong thời gian 06 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, có trách nhiệm kiểm tra; có văn bản kèm theo đơn, giấy xác nhận và bản sao hồ sơ người có công gửi đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học thường trú để thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định.

(Điều 21 Thông tư 55/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 15/9/2022)

3.2. Thủ tục đề nghị giải quyết chế độ ưu đãi giáo dục đối người có công cách mạng

Bước 1: Gửi hồ sơ

Cá nhân gửi đơn đề nghị kèm giấy xác nhận theo Mẫu số 41 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý hồ sơ người có công vào đầu năm học đầu tiên của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoặc đầu khóa học của giáo dục nghề nghiệp, đại học.

Lưu ý: Trường hợp người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng thuộc cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc ngành LĐTBXH quản lý thì cơ quan này chịu trách nhiệm xác nhận trong thời gian 03 ngày làm việc và gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người học thường trú.

Bước 2: Xác nhận đơn và lập danh sách

 Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ các giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận đơn và lập danh sách gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ, lập danh sách

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập danh sách kèm giấy tờ theo quy định gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bước 4: Kiểm tra, đối chiếu hồ sơ và ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ người có công, ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi trong giáo dục đào tạo theo Mẫu số 70 Phụ lục I Nghị định 131/2021/NĐ-CP đối với các trường hợp đủ điều kiện và lưu ghép cùng hồ sơ người có công.

(Khoản 2 Điều 97 Nghị định 131/2021/NĐ-CP)

Ngọc Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,441

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079