Chất vấn là gì? Quy định về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

20/10/2022 14:01 PM

Chất vấn là hoạt động không thể thiếu mỗi kỳ họp của Quốc hội. Vậy luật quy định thế nào về chất vấn và trả lời chất vấn? – Nguyễn Tín (Bình Định).

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Chất vấn là gì? Ai có quyền chất vấn?

Theo Hiến pháp 2013, đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Chất vấn là gì? Quy định về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

Chất vấn là gì? Quy định về chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội (Hình từ internet)

Còn tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về chất vấn như sau:

Chất vấn là việc đại biểu Quốc hội nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước; đại biểu Hội đồng nhân dân nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.

Quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội như sau:

Trước phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội ghi vấn đề chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu chất vấn và gửi đến Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo trình tự sau đây:

- Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn, có thể cung cấp thông tin minh họa bằng hình ảnh, video, vật chứng cụ thể;

- Người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp, đầy đủ vấn đề mà đại biểu Quốc hội đã chất vấn, không được ủy quyền cho người khác trả lời thay; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có);

- Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời;

- Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình.

Thời gian nêu chất vấn, thời gian trả lời chất vấn được thực hiện theo quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Những trường hợp trả lời chất vấn bằng văn bản

Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản trong các trường hợp sau đây:

- Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp;

- Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh;

- Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp.

Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản. Văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu Quốc hội không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra thảo luận tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội gần nhất hoặc kiến nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.

Nội dung cơ bản của Nghị quyết về chất vấn

Theo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015, Quốc hội ra nghị quyết về chất vấn. Nghị quyết về chất vấn có nội dung cơ bản sau đây:

- Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn;

- Thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập;

- Trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân;

- Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.

Một số quy định khác về chất vấn tại kỳ họp Quốc hội

Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định phiên họp chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp, trừ trường hợp do Quốc hội quyết định.

Chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, người đã trả lời chất vấn có trách nhiệm gửi báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp trước đến đại biểu Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội. Báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội.

Tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp của các thành viên Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 19,857

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079