06 điều cần biết khi đăng ký hợp tác xã

18/11/2022 14:02 PM

Hợp tác xã là gì? Muốn đăng ký thành lập hợp tác xã cần đáp ứng những điều kiện gì? - Thanh Hà (Quảng Ngãi)

06 điều cần biết khi đăng ký hợp tác xã

06 điều cần biết khi đăng ký hợp tác xã

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hợp tác xã là gì?

Xem tại: Hợp tác xã là gì? Hợp tác xã có tư cách pháp nhân không?

2. Đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Theo Điều 23 Luật Hợp tác xã 2012, trước khi hoạt động, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính.

- Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:

+ Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Điều lệ;

+ Phương án sản xuất, kinh doanh;

+ Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;

+ Nghị quyết hội nghị thành lập.

- Người đại điện hợp pháp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải kê khai đầy đủ, trung thực và chính xác các nội dung quy định theo hồ sơ nêu trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung đã kê khai.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ theo quy định nêu trên, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chính phủ quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký; trình tự, thủ tục cấp và nội dung của giấy chứng nhận đăng ký.

3. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Điều 24 Luật Hợp tác xã 2012 quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm;

- Hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hợp tác xã 2012;

- Tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được đặt theo quy định tại Điều 22 Luật Hợp tác xã 2012;

- Có trụ sở chính theo quy định tại Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012.

4. Quy định về tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Căn cứ Điều 22 Luật Hợp tác xã 2012 và Điều 7 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, tên, biểu tượng hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như sau

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quyết định tên, biểu tượng của mình nhưng không trái với quy định của pháp luật. Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “Hợp tác xã” hoặc “Liên hiệp hợp tác xã”.

- Tên, biểu tượng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể:

+ Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được viết bằng tiếng Việt hoặc ký tự La - tinh trừ ký tự đặc biệt, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu và được bắt đầu bằng cụm từ “hợp tác xã” hoặc “liên hiệp hợp tác xã” sau đó là tên riêng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh hay ký hiệu phụ trợ khác để cấu thành tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

+ Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phát hành.

+ Cơ quan đăng ký hợp tác xã có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nếu tên đó không phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

+ Cơ quan đăng ký hợp tác xã có trách nhiệm công khai tên hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã đăng ký; các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đăng ký trước khi Nghị định 193/2013/NĐ-CP có hiệu lực có tên gây nhầm lẫn thì cơ quan đăng ký hợp tác xã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tương tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên hoặc bổ sung tên địa danh để làm yếu tố phân biệt tên.

5. Điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Theo Điều 21 Luật Hợp tác xã 2012, điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đảm bảo những nội dung sau:

- Tên gọi, địa chỉ trụ sở chính; biểu tượng (nếu có).

- Mục tiêu hoạt động.

- Ngành, nghề sản xuất, kinh doanh.

- Đối tượng, điều kiện, thủ tục kết nạp, thủ tục chấm dứt tư cách thành viên, hợp tác xã thành viên; biện pháp xử lý đối với thành viên, hợp tác xã thành viên nợ quá hạn.

- Mức độ thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá trị tối thiểu của sản phẩm, dịch vụ mà thành viên, hợp tác xã thành viên phải sử dụng; thời gian liên tục không sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nhưng không quá 03 năm; thời gian liên tục không làm việc cho hợp tác xã đối với hợp tác xã tạo việc làm nhưng không quá 02 năm.

- Quyền và nghĩa vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên.

- Cơ cấu tổ chức hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; thể thức bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; bộ phận giúp việc cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Số lượng thành viên, cơ cấu và nhiệm kỳ của hội đồng quản trị, ban kiểm soát; trường hợp thành viên hội đồng quản trị đồng thời làm giám đốc (tổng giám đốc).

- Trình tự, thủ tục tiến hành đại hội thành viên và thông qua quyết định tại đại hội thành viên; tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bầu đại biểu tham dự đại hội đại biểu thành viên.

- Vốn điều lệ, mức vốn góp tối thiểu, hình thức góp vốn và thời hạn góp vốn; trả lại vốn góp; tăng, giảm vốn điều lệ.

- Việc cấp, cấp lại, thay đổi, thu hồi giấy chứng nhận vốn góp.

- Nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã với thành viên, giữa liên hiệp hợp tác xã với hợp tác xã thành viên bao gồm nghĩa vụ cung ứng và sử dụng sản phẩm, dịch vụ; giá và phương thức thanh toán sản phẩm, dịch vụ. Đối với hợp tác xã tạo việc làm, nội dung hợp đồng dịch vụ giữa hợp tác xã và thành viên là nội dung hợp đồng lao động giữa hợp tác xã và thành viên.

- Việc cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên ra thị trường.

Tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên ra thị trường cho từng lĩnh vực, loại hình theo quy định của Chính phủ.

- Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, liên doanh, liên kết; thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

- Lập quỹ; tỷ lệ trích lập quỹ; tỷ lệ, phương thức phân phối thu nhập.

- Quản lý tài chính, sử dụng và xử lý tài sản, vốn, quỹ và các khoản lỗ; các loại tài sản không chia.

- Nguyên tắc trả thù lao cho thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; nguyên tắc trả tiền lương, tiền công cho người điều hành, người lao động.

- Xử lý vi phạm điều lệ và nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ.

- Sửa đổi, bổ sung điều lệ.

- Các nội dung khác do đại hội thành viên quyết định nhưng không trái với quy định của Luật Hợp tác xã 2012 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

6. Trụ sở chính, văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã

- Căn cứ Điều 26 Luật Hợp tác xã 2012, trụ sở chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là địa điểm giao dịch của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, tên đường, phố, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

- Điều 27 Luật Hợp tác xã 2012 quy định về văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:

+ Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được lập chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh ở trong nước và nước ngoài. Trình tự, thủ tục thành lập thực hiện theo quy định của Chính phủ.

+ Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền nhằm phục vụ cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

+ Chi nhánh là đơn vị trực thuộc của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng, nhiệm vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

+ Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh.

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,249

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079