Hình thức, thời hạn xử lý kỷ luật trong quân đội (mới nhất)

19/11/2022 11:06 AM

Hiện nay, các đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp khi vi phạm kỷ luật của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử lý kỷ luật thế nào? - Minh Long (TP.HCM)

Hình thức, thời hạn xử lý kỷ luật trong quân đội (mới nhất)

Hình thức, thời hạn xử lý kỷ luật trong quân đội (mới nhất) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các hình thức kỷ luật trong quân đội

Theo Điều 10 Thông tư 16/2020/TT-BQP, các hình thức kỷ luật trong quân đội quy định như sau:

- Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp

Hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và khoản 1 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau:

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Hạ bậc lương;

+ Giáng cấp bậc quân hàm;

+ Giáng chức;

+ Cách chức;

+ Tước quân hàm sĩ quan;

+ Tước danh hiệu quân nhân.

- Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 60 Luật Nghĩa vụ quân sự được xếp từ thấp đến cao như sau:

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Giáng cấp bậc quân hàm;

+ Giáng chức;

+ Cách Chức;

+ Tước danh hiệu quân nhân.

- Hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 50 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được xếp từ thấp đến cao như sau:

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Hạ bậc lương;

+ Buộc thôi việc.

2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật trong quân đội

Điều Điều 4 Thông tư 16/2020/TT-BQP quy định việc xử lý kỷ luật trong quân đội phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Mọi vi phạm kỷ luật phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh; hậu quả do vi phạm kỷ luật gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

- Việc xử lý vi phạm kỷ luật được tiến hành nhanh chóng, chính xác, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

- Việc xử phạt vi phạm kỷ luật phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; không áp dụng các hình thức kỷ luật khác thay cho hình thức kỷ luật được pháp luật quy định.

- Không áp dụng hình thức kỷ luật tước danh hiệu quân nhân và buộc thôi việc đối với nữ quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng khi mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

- Không áp dụng hình thức kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm đối với quân nhân đang giữ cấp bậc quân hàm thiếu úy; không áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang hưởng lương Bậc 1.

- Khi xử lý kỷ luật, ngoài hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm, nếu vi phạm gây thiệt hại về vật chất, người vi phạm còn phải bồi thường. Tài sản, tiền, vật chất do hành vi vi phạm mà có, phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

- Mỗi hành vi vi phạm kỷ luật chỉ xử lý một hình thức kỷ luật; nếu cùng một lần vi phạm kỷ luật mà người vi phạm thực hiện nhiều hành vi vi phạm khác nhau thì phải xem xét, kết luận, làm rõ mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm nhưng chỉ áp dụng hình thức kỷ luật chung cho các hành vi vi phạm và không vượt quá hình thức kỷ luật của hành vi có mức xử lý kỷ luật cao nhất.

Trường hợp xử lý nhiều hình thức kỷ luật (hạ bậc lương, giáng cấp bậc quân hàm với cách chức hoặc giáng chức) do cấp có thẩm quyền quyết định.

- Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (sau đây gọi chung là người chỉ huy) các cấp phải chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của quân nhân thuộc quyền; tùy tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả gây ra của vụ việc và mức độ liên quan đến trách nhiệm của người chỉ huy trực tiếp và trên một cấp để xác định hình thức kỷ luật theo quy định tại Thông tư 16/2020/TT-BQP.

- Người thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật có dấu hiệu tội phạm, thì cơ quan, đơn vị không giảm quân số quản lý mà chuyển hồ sơ vi phạm sang Cơ quan điều tra trong Quân đội để xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị tòa án xét xử và tuyên phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì chỉ giải quyết chế độ, chính sách khi đã có quyết định thi hành án của Tòa án.

3. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật trong quân đội

Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật trong quân đội quy định tại Điều 43 Thông tư 16/2020/TT-BQP, cụ thể:

- Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì người có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

+ Thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật, người vi phạm có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới;

+ Không áp dụng thời hiệu đối với: Hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật tước quân hàm sĩ quan và tước danh hiệu quân nhân; hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; hành vi vi phạm xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp và quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

- Thời hạn xử lý kỷ luật đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thời hạn xử lý kỷ luật là 03 tháng. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 05 tháng.

- Trường hợp người vi phạm kỷ luật có liên quan đến vụ việc, vụ án đang bị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử thì trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử, đơn vị tạm dừng việc xem xét xử lý kỷ luật. 

Khi có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật có thẩm quyền hoặc bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì xem xét xử lý kỷ luật theo quy định. Thời hạn xem xét xử lý kỷ luật áp dụng theo khoản 2 Điều 43 Thông tư 16/2020/TT-BQP.

- Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải chịu trách nhiệm về việc xử lý kỷ luật đối với người vi phạm trong thời hạn quy định.

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 18,050

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079