Hợp đồng thương mại là gì? Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

03/02/2023 18:30 PM

Xin hỏi hợp đồng thương mại là gì? Trong các hoạt động thương mại thì có những nguyên tắc cơ bản nào? - Quang Hùng (TPHCM)

Hợp đồng thương mại là gì? Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

Hợp đồng thương mại là gì? Các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

1. Hợp đồng thương mại là gì?

Hợp đồng thương mại được hiểu là thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hay thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại, cụ thể là:

- Hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

- Hàng hóa bao gồm:

+ Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

+ Những vật gắn liền với đất đai.

- Thói quen trong hoạt động thương mại là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng được hình thành và lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài giữa các bên, được các bên mặc nhiên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại.

(Khoản 1, 2, 3 Điều 3 Luật Thương mại 2005)

2. Tổng hợp các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thương mại

2.1. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại

Điều 10 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại như sau:

Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại.

2.2. Nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại

Tại Điều 11 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận trong hoạt động thương mại như sau:

- Các bên có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

- Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

2.3. Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên

Căn cứ Điều 12 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên như sau:

Trừ trường hợp có thoả thuận khác, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà các bên đã biết hoặc phải biết nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

2.4. Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại

Tại Điều 13 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại như sau:

Trường hợp pháp luật không có quy định, các bên không có thoả thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên thì áp dụng tập quán thương mại nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Luật này và trong Bộ luật dân sự.

2.5. Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng

Căn cứ Điều 14 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng như sau:

- Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho người tiêu dùng về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó.

- Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh.

2.6. Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại

Tại Điều 15 Luật Thương mại 2005 quy định về nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại như sau:

Trong hoạt động thương mại, các thông điệp dữ liệu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật thì được thừa nhận có giá trị pháp lý tương đương văn bản.

3. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Tại Điều 294 Luật Thương mại 2005 quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm như sau:

- Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

+ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

+ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

+ Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

+ Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

- Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm.

4. Thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm của các bên trong hợp đồng thương mại

Căn cứ Điều 295 Luật Thương mại 2005 quy định về thông báo và xác nhận trường hợp miễn trách nhiệm như sau:

- Bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra.

- Khi trường hợp miễn trách nhiệm chấm dứt, bên vi phạm hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết; nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.

- Bên vi phạm có nghĩa vụ chứng minh với bên bị vi phạm về trường hợp miễn trách nhiệm của mình.

Chia sẻ bài viết lên facebook 63,463

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079