Căn cứ xác định thuế khoán của hộ kinh doanh

26/02/2023 08:00 AM

Xin hỏi là đối với hộ kinh doanh thì căn cứ để xác định thuế khoán của hộ kinh doanh được quy định thế nào? - Tuấn Phi (TPHCM)

Căn cứ xác định thuế khoán của hộ kinh doanh

Căn cứ xác định thuế khoán của hộ kinh doanh

1. Quản lý thuế đối với hộ khoán

Tại Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về việc căn cứ xác định thuế khoán đối với hộ khoán như sau:

Căn cứ xác định thuế khoán bao gồm:

- Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế;

- Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;

- Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn;

- Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.

Công khai thông tin hộ khoán là việc cơ quan thuế tổ chức công khai và tiếp nhận ý kiến phản hồi về doanh thu và mức thuế khoán đối với hộ khoán theo quy định.

Việc công khai thông tin lần 1 theo khoản 5 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC để tham khảo, lấy ý kiến về doanh thu, mức thuế khoán dự kiến;

Và công khai thông tin lần 2 theo khoản 9 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC để tham khảo, lấy ý kiến về doanh thu, mức thuế khoán chính thức phải nộp của năm tính thuế. Việc công khai thông tin bao gồm:

Niêm yết thông tin bằng giấy tại địa bàn; gửi trực tiếp đến hộ khoán;

Gửi trực tiếp đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc quận, huyện, xã, phường, thị trấn; công khai thông tin trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế.

2. Hướng dẫn xác định doanh thu và mức thuế khoán

Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về việc hướng dẫn xác định doanh thu và mức thuế khoán như sau:

- Xác định doanh thu và mức thuế khoán

+ Doanh thu và mức thuế khoán được tính theo năm dương lịch hoặc tháng đối với trường hợp kinh doanh theo thời vụ và ổn định trong một năm.

+ Hộ khoán tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm trên Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Trường hợp hộ khoán không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu và xác định mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế.

+ Căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để lấy ý kiến công khai, tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế và làm cơ sở cho Cục Thuế chỉ đạo, rà soát việc lập Sổ bộ thuế tại từng Chi cục Thuế.

- Điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán

Hộ khoán trong năm có đề nghị điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán do thay đổi hoạt động kinh doanh thì cơ quan thuế điều chỉnh lại mức thuế khoán theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Quản lý thuế kể từ thời điểm có thay đổi. Cụ thể như sau:

+ Hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh (diện tích kinh doanh, lao động sử dụng, doanh thu) thì phải khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế nếu xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với doanh thu đã khoán thì ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD Thông tư 126/2020/NĐ-CP) về việc điều chỉnh mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.

Trường hợp qua cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra, cơ quan thuế có căn cứ xác định hộ khoán không đáp ứng điều kiện để được điều chỉnh mức thuế khoán theo quy định thì cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc không điều chỉnh mức thuế khoán theo mẫu số 01/TBKĐC-CNKD Thông tư 40/2021/TT-BTC.

+ Hộ khoán thay đổi địa điểm kinh doanh thì phải thực hiện thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định và thực hiện thủ tục khai thuế tại địa điểm mới như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh.

Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế để xử lý theo quy định. Cơ quan thuế quản lý nơi hộ khoán chuyển đến xử lý hồ sơ khai thuế của hộ khoán như đối với hộ khoán mới ra kinh doanh.

Cơ quan thuế quản lý nơi hộ khoán chuyển đi ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD Nghị định 126/2020/NĐ-CP) về việc điều chỉnh giảm mức thuế khoán kể từ thời điểm có thay đổi trong năm tính thuế.

+ Hộ khoán thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh (kể cả trường hợp không thay đổi về tỷ lệ, thuế suất áp dụng) thì hộ khoán phải thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế theo quy định (nếu có thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh so với đăng ký thuế), đồng thời khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Cơ quan thuế căn cứ kết quả xử lý hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế (nếu có) và căn cứ hồ sơ khai thuế của hộ khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để ban hành Thông báo (mẫu số 01/TB-CNKD Nghị định 126/2020/NĐ-CP) về việc điều chỉnh mức thuế khoán (nếu có) theo thực tế kể từ thời điểm thay đổi trong năm tính thuế.

+ Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì hộ khoán thực hiện thông báo khi ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Cơ quan thuế căn cứ vào thông báo của hộ khoán hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 37 Luật Quản lý thuế để điều chỉnh mức thuế khoán như sau:

++ Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp thuận ngừng kinh doanh:

Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh từ ngày đầu tiên của tháng dương lịch thì điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán kể từ tháng ngừng kinh doanh;

Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 02 đến ngày 15 của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh được điều chỉnh giảm 50% và điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh;

Nếu hộ khoán ngừng kinh doanh tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ ngày 16 trở đi của tháng dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng bắt đầu ngừng kinh doanh không được điều chỉnh giảm, chỉ điều chỉnh giảm toàn bộ tiền thuế khoán của các tháng sau tháng ngừng kinh doanh.

++ Đối với hộ khoán đã được thông báo chấp thuận tạm ngừng kinh doanh:

Nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh trọn tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán của tháng đó được điều chỉnh giảm toàn bộ;

Nếu hộ khoán tạm ngừng kinh doanh từ 15 ngày liên tục trở lên trong một tháng của năm dương lịch thì tiền thuế khoán phải nộp của tháng đó được điều chỉnh giảm 50%.

++ Thời gian ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh được xác định theo thông báo của người nộp thuế, trường hợp người nộp thuế ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh không thông báo hoặc thông báo muộn (bao gồm cả trường hợp vì lý do bất khả kháng theo quy định) thì cơ quan thuế căn cứ kết quả xác minh thực tế để xác định thời gian ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.

+ Hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì cơ quan thuế căn cứ văn bản yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để điều chỉnh mức thuế khoán theo thực tế cho thời gian yêu cầu ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh.

+ Hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai thì hộ khoán khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai thuế khoán theo mẫu số 01/CNKD Thông tư 40/2021/TT-BTC. Cơ quan thuế căn cứ Tờ khai điều chỉnh, bổ sung để điều chỉnh giảm mức thuế đã khoán cho thời gian chuyển đổi.

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,058

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079