Học tại chức là gì? Bằng Đại học tại chức có giá trị như bằng Đại học chính quy không?

24/11/2023 11:33 AM

Hiện nay ngoài đào tạo chính quy thì còn có hình thức học tại chức. Vậy học tại chức là gì? Bằng Đại học tại chức có giá trị như bằng Đại học chính quy không?

Học tại chức là gì?

Học tại chức là một thuật ngữ quen thuộc, dành cho những người đã đi làm nhưng có mong muốn tiếp tục học nâng cao trình độ.

Theo đó, tại chức là chương trình đào tạo dành cho người vừa đi làm vừa đi học, nhằm mục đích bổ sung kiến thức, bồi dưỡng, cải thiện và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Tên gọi tại chức ban đầu xuất phát từ chính sách tạo thuận lợi cho những cán bộ chiến sỹ phải tạm ngưng việc học do tham gia kháng chiến, nay tiếp tục được học tập.

Sau này, cụm từ “học tại chức” dần được thay bằng đào tạo “vừa làm vừa học”. Như vậy, học tại chức cũng chính là hệ vừa làm vừa học.

Học tại chức là gì? Bằng Đại học tại chức có giá trị như bằng Đại học chính quy không?

Học tại chức là gì? Bằng Đại học tại chức có giá trị như bằng Đại học chính quy không? (Hình từ internet)

Quy định về chương trình đào tạo vừa làm vừa học

Theo Luật Giáo dục đại học, hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.

Tại Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có quy định hình thức đào tạo vừa làm vừa học như sau:

- Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại cơ sở đào tạo hoặc tại cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định liên kết đào tạo tại Điều 5 của Quy chế kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài cơ sở đào tạo, cơ sở phối hợp đào tạo;

- Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy linh hoạt trong ngày và trong tuần.

Về liên kết đào đạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học

Luật Giáo dục đại học quy định cơ sở giáo dục đại học chỉ được liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; trường đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân với điều kiện cơ sở được liên kết đào tạo bảo đảm các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo; không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học như sau:

(1) Liên kết đào tạo chỉ thực hiện đối với hình thức vừa làm vừa học theo quy định tại khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và theo quy định tại khoản (2), (3). Không thực hiện việc liên kết đào tạo đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ có cấp chứng chỉ hành nghề.

(2). Các yêu cầu tối thiểu đối với cơ sở chủ trì đào tạo:

- Đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp và còn hiệu lực theo quy định;

- Chương trình đào tạo dự kiến liên kết đào tạo đã được tổ chức thực hiện tối thiểu 03 khoá liên tục theo hình thức chính quy; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành;

- Bảo đảm đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;

- Đã ban hành quy định về liên kết và đã thẩm định các điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở phối hợp đào tạo;

- Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không áp dụng điểm a, điểm b khoản này, nhưng chỉ được liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục thuộc cùng bộ quản lý trực tiếp và phải có văn bản giao nhiệm vụ liên kết đào tạo của bộ quản lý trực tiếp.

(3) Các yêu cầu tối thiểu của cơ sở phối hợp đào tạo:

- Đáp ứng các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện và cán bộ quản lý theo yêu cầu của chương trình đào tạo;

- Đã có báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định; từ khóa tuyển sinh năm 2024 yêu cầu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành, trừ các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Bằng Đại học tại chức có giá trị như bằng Đại học chính quy không?

Luật Giáo dục đại học quy định văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương.

Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định: Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo.

Như vậy, bằng đại học tại chức được công nhận có giá tương đương với bằng đại học chính quy theo quy định.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 25,104

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079