Các công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì công trình bảo vệ môi trường của dự án đầu tư bao gồm:
(1) Công trình xử lý chất thải là công trình, thiết bị xử lý nước thải, bụi, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại;
(2) Công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn là công trình, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải rắn thông thường, chất thải rắn y tế, chất thải rắn nguy hại để đáp ứng yêu cầu phân loại, thu gom, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, vận chuyển chất thải rắn đến địa điểm xử lý hoặc tái sử dụng, tái chế;
(3) Công trình bảo vệ môi trường khác.
Lưu ý: Theo khoản 2, 3 và 4 Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì chủ dự án đầu tư có công trình xử lý chất thải quy định tại (1) mục này, sau khi được cấp giấy phép môi trường, phải thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án đầu tư hoặc cho từng phân kỳ đầu tư của dự án (nếu có) hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án để đánh giá sự phù hợp và đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Trong quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải, chủ dự án đầu tư phải tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường theo giấy phép môi trường và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đối với dự án đầu tư có thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại hoặc có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, trước khi kết thúc vận hành thử nghiệm 45 ngày, chủ dự án đầu tư phải gửi báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép môi trường của dự án.
Cơ quan cấp giấy phép môi trường có trách nhiệm kiểm tra và quyết định việc điều chỉnh loại, khối lượng chất thải nguy hại được phép xử lý hoặc khối lượng phế liệu được phép nhập khẩu và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Quyền, nghĩa vụ của chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường theo Điều 47 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:
* Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có quyền sau đây:
- Được thực hiện các nội dung cấp phép môi trường quy định trong giấy phép môi trường;
- Đề nghị cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường;
- Quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Chủ dự án đầu tư, cơ sở được cấp giấy phép môi trường có nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong giấy phép môi trường. Trường hợp có thay đổi so với nội dung giấy phép đã được cấp, phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép xem xét, giải quyết;
- Nộp phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường;
- Thực hiện đúng quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 Luật Bảo vệ môi trường 2020;
- Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường;
- Công khai giấy phép môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Cung cấp các thông tin có liên quan theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình kiểm tra, thanh tra;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.