Trường hợp nào công ty được cắt giảm tiền lương của người lao động?

13/02/2024 20:00 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp nào công ty được cắt giảm tiền lương của người lao động? - Oanh Kim (Hà Giang)

Trường hợp nào công ty được cắt giảm tiền lương của người lao động? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nguyên tắc trả lương cho người lao động như thế nào?

Căn cứ Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định nguyên tắc trả lương như sau:

- Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

2. Trường hợp nào công ty được cắt giảm tiền lương của người lao động?

Theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành, không có quy định nào cho phép việc người sử dụng lao động được tự ý cắt giảm tiền lương của người lao động. Việc cắt giảm tiền lương của người lao động chỉ được phép diễn ra khi thuộc một trong các trường hợp sau:

2.1 Thỏa thuận sửa đổi nội dung tiền lương trong hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 về Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động có nêu:

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Theo đó, khi người sử dụng lao động có ý muốn cắt giảm tiền lương của người lao động thì phải tiến hành báo trước cho người lao động trong thời hạn ít nhất 03 ngày. Nếu người lao động đồng ý thỏa thuận thì các bên có thể tiến hành điều chỉnh giảm tiền lương của người lao động thông qua việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động mới. Còn trong trường hợp người lao động không đồng ý với việc cắt giảm tiền lương của công ty thì đương nhiên công ty sẽ không được tự ý cắt giảm tiền lương của người lao động.

2.2 Cắt giảm tiền lương khi người sử dụng lao động chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động

Căn cứ quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019 về việc Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động có nêu:

- Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

- Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quy định nêu trên, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

- Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

- Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, khi người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì có thể tiền lương của người lao động cũng sẽ thay đổi theo công việc mới, cụ thể:

– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày người lao động bị chuyển đổi công việc, nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì người lao động vẫn được hưởng mức lương của công việc cũ. Sau thời hạn này, người lao động sẽ phải hưởng mức lương của công việc mới. Tuy nhiên, tiền lương của công việc mới mà người lao động sẽ phải nhận chỉ được phép giảm từ 1% đến tối đa 15% so với tiền lương của công việc cũ và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

– Cũng lưu ý rằng, pháp luật chỉ cho phép việc người sử dụng lao động tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong thời hạn 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm; Còn nếu quá thời hạn này thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người lao động, người sử dụng lao động mới được phép chuyển đổi công việc cho người lao động.

3. Công ty tự ý giảm lương của người lao động thì xử phạt như thế nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động có hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động như sau:

- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, nếu công ty tự ý giảm lương của người lao động thì công ty sẽ chịu mức phạt hành chính tuỳ vào số lượng người lao động mà công ty tự ý giảm tiền lương. Mức phạt tiền sẽ từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,010

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079