So sánh đặt cọc và ký cược

08/03/2024 12:00 PM

Xin hỏi theo quy định pháp luật dân sự thì đặt cọc là gì, ký cược là gì và hai giao dịch này giống và khác nhau như thế nào? - Ngọc Xuân (Đà Nẵng)

Đặt cọc là gì?

Căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đặt cọc là việc một bên (gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

So sánh đặt cọc và ký cược

So sánh đặt cọc và ký cược (Hình từ internet)

Ký cược là gì?

Căn cứ Điều 329 Bộ luật Dân sự 2015 quy định ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

So sánh đặt cọc và ký cược

(1) Giống nhau

Căn cứ các quy định nêu trên thì có thể thấy đặt cọc và ký cược có những điểm giống nhau cơ bản sau đây:

- Đều là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

- Có sự chuyển giao tài sản bảo đảm; tài sản ở đây là một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

(2) Khác nhau

Tuy có điểm giống nhau, nhưng đặc cọc và ký cược là 2 biện pháp bảo đảm khác nhau và có nhiều điểm khác biệt nhau. Dưới đây là bảng so sánh những điểm khác nhau cơ bản giữa đặt cọc và ký cược:

Tiêu chí

Đặt cọc

Ký cược

Mục đích

Bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

Tài sản bảo đảm

Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

Tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

Chủ thể

- Bên đặt cọc

- Bên nhận đặt cọc

- Bên ký cược là bên thuê tài sản hoặc là người thứ ba.

- Bên nhận ký cược là bên cho thuê tài sản

Hậu quả pháp lý

- Hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền;

- Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc;

- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 

- Tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê;

- Nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê. 

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,933

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079