Các chỉ tiêu, thông tin đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì việc đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan được dựa trên hệ thống các chỉ tiêu, thông tin về:
- Tần suất vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
- Tính chất, mức độ vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế;
- Việc hợp tác với cơ quan hải quan trong thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và chấp hành các quyết định khác của cơ quan hải quan.
Quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan theo Điều 13 Nghị định 08/2015/NĐ-CP như sau:
- Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra và các biện pháp nghiệp vụ khác dựa trên việc tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro.
- Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan căn cứ vào kết quả tổng hợp, xử lý các kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, phân loại mức độ rủi ro tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 08/2015/NĐ-CP theo tiêu chí do Bộ Tài chính ban hành để quyết định hoặc phân cấp quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra hải quan và các biện pháp nghiệp vụ hải quan khác trên cơ sở phù hợp với nguồn nhân lực, các điều kiện thực tế quản lý hải quan.
Quy định về thực hiện phân loại mức độ rủi ro trong thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan theo Điều 15 Nghị định 08/2015/NĐ-CP như sau:
- Việc phân loại mức độ rủi ro trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
- Trong quá trình phân loại mức độ rủi ro, cơ quan hải quan xem xét các yếu tố liên quan, gồm:
+ Chính sách quản lý, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh;
+ Tính chất, đặc điểm của hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải;
+ Tần suất, tính chất, mức độ vi phạm liên quan đến hàng hóa, hành lý, phương tiện vận tải;
+ Xuất xứ của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh;
+ Tuyến đường, phương thức vận chuyển hàng hóa, hành lý;
+ Các yếu tố khác liên quan đến quá trình hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
- Cơ quan hải quan thực hiện đánh giá phân loại rủi ro đối với người khai hải quan, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo các mức độ khác nhau để áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan, thanh tra phù hợp.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan theo Điều 10 Luật Hải quan 2014 như sau:
* Đối với công chức hải quan:
- Gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan;
- Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế;
- Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hóa tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi;
- Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.
* Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải:
- Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;
- Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Gian lận thương mại, gian lận thuế;
- Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;
- Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;
- Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;
- Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.