Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như thế nào?

03/05/2024 08:30 AM

Xin cho tôi hỏi người xin vào Đảng sẽ phải thẩm tra lý lịch như thế nào? - Phương Hoài (Bình Định)

Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

1. Quy định về lý lịch của người vào Đảng như thế nào?

Tại Tiểu mục 3.3 Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 có quy định việc khai lý lịch Đảng viên như sau:

- Người vào Đảng tự khai lý lịch, đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, chịu trách nhiệm về nội dung đã khai; nếu có vấn đề nào không hiểu và không nhớ chính xác thì phải báo cáo với chi bộ.

- Lý lịch phải được cấp ủy cơ sở thẩm tra, kết luận trước khi ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu.

2. Thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như thế nào?

Căn cứ tiểu mục 3.4 Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 có hướng dẫn về thẩm tra lý lịch của người vào Đảng như sau: 

(1) Những người cần thẩm tra về lý lịch gồm:

- Người vào Đảng.

- Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ (chồng) hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng bản thân; vợ hoặc chồng, con đẻ của người vào Đảng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (sau đây gọi chung là người thân).

(2) Nội dung thẩm tra, xác minh

- Đối với người vào Đảng: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; về chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.

- Đối với người thân: Làm rõ những vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay; việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

(3) Phương pháp thẩm tra, xác minh

- Nếu người vào Đảng có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột, con đẻ và trong lý lịch người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh.

- Nếu vợ (chồng) người vào Đảng đang là đảng viên hoặc có một trong các trường hợp sau đây đang là đảng viên: Cha, mẹ đẻ, anh, chị, em ruột và trong lý lịch của người vào Đảng đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực theo quy định, thì không phải thẩm tra, xác minh bên vợ (chồng).

- Nội dung nào chưa rõ thì thẩm tra, xác minh nội dung đó; khi cấp ủy cơ sở (ở quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc) đã xác nhận, nếu có nội dung nào chưa rõ thì đến ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng để thẩm tra làm rõ.

- Những nội dung đã biết rõ trong lý lịch của người vào Đảng và những người thân đều sinh sống, làm việc tại quê quán trong cùng một tổ chức cơ sở đảng (xã, phường, thị trấn...) từ đời ông, bà nội đến nay thì chi ủy báo cáo với chi bộ, chi bộ kết luận, cấp ủy cơ sở kiểm tra và ghi ý kiến chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch, không cần thẩm tra riêng.

- Việc thẩm tra lý lịch của người vào Đảng trong lực lượng vũ trang được đối chiếu với lý lịch của người đó khai khi nhập ngũ hoặc khi được tuyển sinh, tuyển dụng. Nếu có nội dung nào chưa rõ phải tiến hành thẩm tra, xác minh để làm rõ.

- Người vào Đảng đang ở ngoài nước thì đối chiếu với lý lịch của người đó do cơ quan có thẩm quyền ở trong nước đang quản lý hoặc lấy xác nhận của cấp ủy cơ sở nơi quê quán hoặc nơi cư trú, nơi làm việc của người đó ở trong nước.

- Người thân của người vào Đảng đang ở ngoài nước, thì cấp ủy nơi người vào Đảng làm văn bản nêu rõ nội dung đề nghị cấp ủy hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài nước (qua Đảng ủy Bộ Ngoại giao) để lấy xác nhận; trường hợp chưa rõ về chính trị thì đến cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi tổ chức đó để thẩm tra.

- Người vào Đảng và người thân của người vào Đảng đang làm việc tại cơ quan đại diện, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, thì đại diện cấp ủy cơ sở đến nơi làm việc và cơ quan an ninh có trách nhiệm quản lý, theo dõi các tổ chức đó để thẩm tra những vấn đề có liên quan đến chính trị của những người này.

(4) Trách nhiệm của các cấp ủy và đảng viên

- Trách nhiệm của chi bộ và cấp ủy cơ sở nơi có người vào Đảng:

+ Kiểm tra, đóng dấu giáp lai vào các trang trong lý lịch của người vào Đảng (chi ủy chưa nhận xét và cấp ủy cơ sở chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch).

+ Gửi công văn đề nghị thẩm tra và lý lịch người xin vào Đảng đến cấp ủy cơ sở hoặc cơ quan có trách nhiệm để thẩm tra; trường hợp cần thiết thì chi bộ cử đảng viên đi thẩm tra. Đảng viên đi thẩm tra có trách nhiệm báo cáo cấp ủy những nội dung được giao bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước Đảng về nội dung đó.

+ Tổng hợp kết quả thẩm tra, ghi nội dung chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch của người vào Đảng.

- Trách nhiệm của cấp ủy cơ sở và cơ quan nơi được yêu cầu xác nhận lý lịch:

+ Chỉ đạo chi ủy hoặc bí thư chi bộ (nơi chưa có chi ủy) và cơ quan trực thuộc có liên quan xác nhận vào lý lịch người xin vào Đảng.

+ Cấp ủy cơ sở nơi đến thẩm tra: Thẩm định, ghi nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng...” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”. Người thay mặt cấp ủy xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu vào lý lịch và gửi cho cấp ủy cơ sở có yêu cầu; nếu gửi theo đường công văn thì không để chậm quá 30 ngày làm việc (ở trong nước), 90 ngày làm việc (ở ngoài nước) kể từ khi nhận được công văn đề nghị thẩm tra lý lịch.

+ Tập thể lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng nơi được yêu cầu thẩm tra lý lịch thống nhất về nội dung trước khi xác nhận vào lý lịch của người xin vào Đảng.

(5) Kinh phí chi cho việc đi thẩm tra lý lịch của người vào Đảng ở các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, cước gửi công văn thẩm tra, công tác phí cho đảng viên đi thẩm tra được thanh toán theo quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước; ở các đơn vị khác nếu có khó khăn về kinh phí thì cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng cấp kinh phí.

3. Mẫu lý lịch của người xin vào Đảng mới nhất năm 2024 và cách ghi 

Tại Mẫu 2-KNĐ ban hành kèm Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022 có quy định mẫu lý lịch của người xin vào Đảng mới nhất năm 2024 có dạng như sau:

Mẫu lý lịch của người xin vào Đảng

Các nội dung trong lý lịch của người xin vào Đảng bao gồm:

(1) Họ và tên đang dùng: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, bằng chữ in hoa, ví dụ: NGUYỄN VĂN HÙNG.

(2) Nam, nữ: Là nam thì gạch chữ "nữ", là nữ thì gạch chữ "nam".

(3) Họ và tên khai sinh: Ghi đúng họ, chữ đệm và tên ghi trong giấy khai sinh.

(4) Các bí danh: Ghi các bí danh đã dùng (nếu có).

(5) Sinh ngày ... tháng ... năm ...: Ghi đúng ngày, tháng, năm sinh ghi trong giấy khai sinh.

(6) Nơi sinh: Ghi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thị xã, thành phố trực thuộc thành phố, thành phố trực thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương) nơi cấp giấy khai sinh theo tên hiện dùng của hệ thống hành chính Nhà nước.

(7) Quê quán: Ghi theo quê quán trong giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ). Ghi địa chỉ như cách ghi ở mục 06.

(8) Nơi cư trú:

- Nơi thường trú: Ghi địa chỉ đăng ký thường trú (thôn, xã, huyện, tỉnh, thành phố; số nhà, đường phố, phường, thị xã, quận, thành phố).

- Nơi tạm trú: Bản thân đang tạm trú ở đâu thì ghi địa chỉ nơi tạm trú đó.

(9) Dân tộc: Ghi tên dân tộc gốc của bản thân như: Kinh, Thái, Tày, Nùng, Mường... (nếu là con lai người nước ngoài thì ghi rõ quốc tịch, dân tộc của bố, mẹ là người nước ngoài).

(10) Tôn giáo: Theo tôn giáo nào thì ghi rõ (ví dụ: đạo Phật, Công giáo, đạo Hồi, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo... ghi cả chức sắc trong tôn giáo - nếu có), nếu không theo tôn giáo nào thì ghi chữ “không”.

(11) Nghề nghiệp hiện nay: Ghi rõ công việc chính đang làm theo hợp đồng lao động hoặc quyết định, tuyển dụng, phân công, bổ nhiệm... Ví dụ: công nhân, nông dân, công chức, viên chức, bác sỹ ngoại khoa, bộ đội, nhà văn, nhà báo, chủ doanh nghiệp, học sinh, sinh viên hoặc chưa có việc làm...

(12) Trình độ hiện nay:

- Giáo dục phổ thông: Ghi rõ đã học xong lớp mấy, hay tốt nghiệp hệ 10 năm, 12 năm, học phổ thông hay bổ túc. Ví dụ: 8/10 phổ thông, 9/12 bổ túc; tốt nghiệp trung học phổ thông hệ 12 năm.

- Giáo dục nghề nghiệp (bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề): Ghi theo chứng chỉ, văn bằng đã được cấp. Ví dụ: Công nhân kỹ thuật hàn bậc 3, Trung cấp Thú y...

- Giáo dục đại học và sau đại học (bao gồm trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ): Ghi theo văn bằng đã được cấp, thuộc chuyên ngành nào, hình thức đào tạo (chính quy, tại chức, chuyên tu, đào tạo từ xa). Ví dụ: Cao đẳng Sư phạm, Đại học Nông nghiệp, Cử nhân Luật tại chức, Kỹ sư cơ khí, Bác sỹ Ngoại khoa; Thạc sỹ kinh tế, Tiến sỹ toán học, Tiến sỹ khoa học ... Nếu có nhiều bằng thì ghi tất cả.

- Học hàm: Ghi chức danh được Nhà nước phong (Giáo sư, Phó giáo sư).

- Lý luận chính trị: Ghi theo chứng chỉ, văn bằng cao nhất đã được cấp như: sơ cấp, trung cấp, cao cấp, cử nhân; học tập trung hay không tập trung.

Đối với những trường hợp đã học lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo ngoài hệ thống trường chính trị của Đảng hoặc đã học chính trị chuyên ngành và sau đại học tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, thì ghi trình độ lý luận chính trị theo giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị được các cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Ban Bí thư và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.

- Ngoại ngữ: Ghi theo văn bằng hoặc chứng chỉ đã được cấp (ví dụ: đại học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga... hoặc tiếng Anh trình độ A...).

- Tin học: Đối với hệ bồi dưỡng thì ghi theo chứng chỉ, chứng nhận đã được cấp (ví dụ: tin học văn phòng; tin học trình độ A, B, C...); nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành tin học thì ghi là đại học.

- Tiếng dân tộc thiểu số: Nói được tiếng dân tộc thiểu số nào thì ghi rõ tên dân tộc đó.

(13) Ngày và nơi kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đoàn (chi đoàn, đoàn cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).

(14) Đối với người xin được kết nạp lại vào Đảng:

- Ngày và nơi kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ nhất: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi kết nạp vào Đảng (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).

- Ngày và nơi công nhận chính thức lần thứ nhất: Ghi rõ ngày, tháng, năm và nơi được công nhận chính thức (chi bộ, đảng bộ cơ sở, huyện, tỉnh hoặc cơ quan Trung ương).

- Người giới thiệu vào Đảng lần thứ nhất: Ghi rõ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác của từng người tại thời điểm giới thiệu mình vào Đảng, nếu ban chấp hành đoàn cơ sở hoặc tập thể chi đoàn cơ sở giới thiệu thì ghi rõ tên tổ chức đoàn thanh niên cơ sở và đoàn thanh niên cấp trên trực tiếp (nếu ban chấp hành công đoàn cơ sở giới thiệu thì cũng ghi nội dung tương tự).

(15) Lịch sử bản thân: Tóm tắt quá trình từ thời niên thiếu cho đến ngày tham gia hoạt động xã hội (như ngày vào Đoàn thanh niên, ngày nhập ngũ, ngày vào học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc ngày tham gia hoạt động trong các tổ chức kinh tế, xã hội...). 

Ví dụ, người xin vào Đảng sinh năm 1985, khai lịch sử bản thân:

Từ tháng 9-1991 đến tháng 8-2000 học Tiểu học và Trung học cơ sở tại Trường Vân Hồ, Quận Hai Bà Trưng.

Từ tháng 9-2000 đến tháng 6-2003 học Trung học phổ thông tại Trường Trần Nhân Tông, Quận Hai Bà Trưng. Được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngay 26-3-2001.

(16) Những công việc, chức vụ đã qua: Ghi đầy đủ, rõ ràng, liên tục (theo tháng) từ khi tham gia hoạt động xã hội; đi làm; đi học đến nay, từng thời gian làm việc gì? Ở đâu? Giữ chức vụ gì về Đảng, chính quyền, trong lực lượng vũ trang, các đoàn thể, các tổ chức văn hóa, giáo dục, khoa học, xã hội... (ghi cả thời gian nhập ngũ, xuất ngũ, tái ngũ, đi học, đi chữa bệnh, đi nghỉ mát, tham quan nước ngoài, bị bắt, bị tù, bị gián đoạn liên lạc hoặc không hoạt động nếu có...).

(17) Đặc điểm lịch sử: Ghi rõ lý do bị gián đoạn hoặc không sinh hoạt đảng (nếu có); có bị bắt, bị tù không (do chính quyền nào, từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào, ở đâu). Có tham gia hoặc có quan hệ với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào ở nước ngoài (làm gì, tổ chức nào, trụ sở của tổ chức đặt ở đâu?). Đã tham gia các chức sắc gì trong các tôn giáo.

(18) Những lớp đào tạo, bồi dưỡng đã qua: Ghi rõ đã học những lớp lý luận chính trị hay chuyên môn, nghiệp vụ nào, theo chương trình gì; cấp nào mở, tên trường, thời gian học, ở đâu; học chính quy hay tại chức; tên văn bằng hoặc chứng chỉ được cấp.

(19) Đi nước ngoài: Ghi rõ thời gian từ tháng năm nào đến tháng năm nào, đi nước nào; cơ quan, đơn vị, tổ chức nào quyết định (chỉ ghi các trường hợp đi học tập, lao động hợp tác, công tác...từ 3 tháng trở lên).

(20) Khen thưởng: Ghi rõ tháng năm, hình thức được khen thưởng (từ bằng khen trở lên), cấp nào quyết định; các danh hiệu được Nhà nước phong tặng: Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc nhân dân...

(21) Kỷ luật: Ghi rõ tháng năm, lý do sai phạm, hình thức kỷ luật (kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể từ khiển trách trở lên). Cấp nào quyết định.

(22) Hoàn cảnh gia đình: Ghi rõ những người chủ yếu trong gia đình như:

- Đối với ông, bà, nội ngoại của bản thân, của vợ (hoặc chồng): Ghi rõ họ tên, năm sinh, quê quán, nơi cư trú, nghề nghiệp, lịch sử chính trị của từng người theo Quy định của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về bảo vệ chính trị nội bộ.

- Cha, mẹ đẻ (hoặc người nuôi dưỡng từ nhỏ); cha, mẹ vợ (hoặc cha, mẹ chồng); vợ (hoặc chồng). Ghi rõ: họ và tên, năm sinh, nơi sinh, quê quán; nơi cư trú, nghề nghiệp, thành phần giai cấp, lịch sử chính trị của từng người qua các thời kỳ và chính trị hiện nay theo Quy định của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về bảo vệ chính trị nội bộ; việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

+ Về thành phần giai cấp: ghi rõ thành phần giai cấp trước cách mạng tháng tám năm 1945, trong cải cách ruộng đất năm 1954 (ở miền Bắc) hoặc trong cải tạo công, nông, thương nghiệp năm 1976 ở các tỉnh, thành phố phía Nam từ Quảng Trị trở vào như: cố nông, bần nông, trung nông, phú nông, địa chủ, công chức, viên chức, dân nghèo, tiểu thương, tiểu chủ, tiểu tư sản, tư sản... (nếu có sự thay đổi thành phần giai cấp cần ghi rõ lý do). Nếu thành phần gia đình không được quy định ở các thời điểm nêu trên và hiện nay thì bỏ trống mục này.

+ Về lịch sử chính trị của từng người: Ghi rõ đã tham gia tổ chức cách mạng; làm công tác gì, giữ chức vụ gì? Tham gia hoạt động và giữ chức vụ gì trong tổ chức chính quyền, đoàn thể, đảng phái nào... của đế quốc hoặc chế độ cũ; hiện nay, những người đó làm gì? Ở đâu? Nếu đã chết thì ghi rõ lý do chết, năm nào? Tại đâu?

- Anh chị em ruột của bản thân, của vợ (hoặc chồng); các con bao gồm con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp: Ghi rõ họ tên, năm sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, hoàn cảnh, kinh tế, việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của từng người.

(23)Tự nhận xét: Ghi những ưu, khuyết điểm chính của bản thân về các mặt phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực công tác và quan hệ quần chúng; sự tín nhiệm của quần chúng và đảng viên ở đơn vị công tác, làm việc đối với bản thân như thế nào?

(24) Cam đoan và ký tên: Ghi rõ “Tôi cam đoan đã khai đầy đủ, rõ ràng, trung thực và chịu trách nhiệm trước Đảng về những nội dung đã khai trong lý lịch”; ngày, tháng, năm, ký và ghi rõ họ tên.

Lưu ý: Chi bộ, cấp ủy cơ sở chưa nhận xét, chưa chứng nhận, ký tên, đóng dấu vào lý lịch mà chỉ đóng dấu giáp lai vào tất cả các trang và ảnh trong lý lịch của người xin vào Đảng; gửi công văn đề nghị thẩm tra hoặc cử đảng viên đi thẩm tra lý lịch.

Không được cử người vào Đảng hoặc người thân (bố, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đẻ, con nuôi có đăng ký hợp pháp) của người vào Đảng đi thẩm tra lý lịch.

(25) Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng nơi đến thẩm tra lý lịch của người xin vào Đảng:

- Nhận xét của chi ủy, chi bộ; ban thường vụ hoặc của ban chấp hành đảng bộ cơ sở nơi đến thẩm tra

Viết những nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng...” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”. Người thay mặt cấp ủy xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu của cấp ủy.

- Nhận xét của cơ quan tổ chức hoặc của thường trực cấp ủy cấp trên cơ sở (nếu có)

Viết những nội dung cần thiết về lý lịch của người xin vào Đảng do cấp ủy nơi có người xin vào Đảng yêu cầu đã đúng, hay chưa đúng hoặc chưa đủ với nội dung người xin vào Đảng đã khai trong lý lịch; tập thể thường trực cấp ủy hoặc lãnh đạo ban tổ chức cấp ủy thống nhất nội dung ghi vào mục “Nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng...” ở phần cuối bản “Lý lịch của người xin vào Đảng”. Người thay mặt thường trực cấp ủy hoặc lãnh đạo ban tổ chức xác nhận, ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu của cấp ủy hoặc ban tổ chức.

(26) Nhận xét của chi ủy hoặc của chi bộ (nơi không có chi ủy): Sau khi có kết quả thẩm tra, xác minh lý lịch của người xin vào Đảng, chi bộ nhận xét, bí thư hoặc phó bí thư ghi rõ bản lý lịch đã khai đúng sự thật chưa? Không đúng ở điểm nào? Có vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay không? Quan điểm, lập trường, phẩm chất đạo đức, lối sống và quan hệ quần chúng... của người xin vào Đảng?

(27) Chứng nhận của cấp ủy cơ sở: Cấp ủy cơ sở thẩm định lại kết quả thẩm tra, xác minh và làm rõ những vấn đề chưa rõ hoặc còn nghi vấn trong nội dung lý lịch của người xin vào Đảng. Nếu người xin vào Đảng có vấn đề cần xem xét về chính trị (bao gồm cả lịch sử chính trị và chính trị hiện nay) thì phải được cấp ủy có thẩm quyền kết luận theo Quy định của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương (trước khi xem xét, quyết định kết nạp vào Đảng). Sau khi tập thể cấp ủy cơ sở xem xét, kết luận thì đồng chí bí thư cấp ủy ghi rõ: “chứng nhận lý lịch của quần chúng... khai tại đảng bộ (hoặc chi bộ) cơ sở... là đúng sự thật; không (hoặc có) vấn đề về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay của người vào Đảng theo quy định của Bộ Chính trị; quần chúng... đủ (hoặc không đủ) điều kiện để xem xét kết nạp vào Đảng”; ghi rõ ngày, tháng, năm, chức vụ, ký tên, họ và tên, đóng dấu của cấp ủy cơ sở. Trường hợp cấp ủy cơ sở chưa có con dấu, thì cấp ủy cấp trên trực tiếp xác nhận chữ ký của bí thư cấp ủy cơ sở, viết rõ chức vụ, ký tên, đóng dấu của cấp ủy.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 31,937

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079