Cố tình xăm mình để trốn nghĩa vụ quân sự bị xử lý ra sao? (Hình từ internet)
Trên thực tế, có nhiều đối tượng thanh niên đã cố tình xăm mình để trốn nghĩa vụ quân sự. Đây được xem là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, những chế tài đối với các hành vi này cũng cực kỳ nghiêm khắc.
Hiện nay, vẫn còn nhiều người vẫn có suy nghĩ việc xăm hình trên cơ thể sẽ không phải đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, pháp luật có quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân trúng tuyển sẽ phụ thuộc vào từng hình xăm khác nhau.
Căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tại khoản 9 Điều 5 thì sẽ không tuyển chọn vào phục vụ trong Quân đội những hình xăm như sau: trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực. Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ; từ 1/2 cánh tay trên trở xuống, từ 1/3 dưới đùi trở xuống. Hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích từ 1/2 lưng, ngực, bụng trở lên. (Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng)
Có thể thấy, tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức trong công tác tuyển chọn nghĩa vụ quân đội thì hình xăm trên cơ thể là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ phù hợp để được tuyển chọn hay là không.
Đôi khi, việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ có hình xăm, chữ xăm có nội dung không phù hợp như đã nêu trên tham gia vào Quân đội sẽ gây phản cảm, hình ảnh không tốt cũng như ảnh hưởng đến lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng, xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội.
Tuy nhiên, những công dân được gọi khám nghĩa vụ quân sự mà trên cơ thể có hình xăm không thuộc vào các nội dung quy định trên hoặc có thể tẩy xóa được thì vẫn xem xét và tuyển chọn nghĩa vụ quân sự.
Bên cạnh đó, để được tuyển chọn nghĩa vụ quân sự thì công dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn về tuổi đời, chính trị, sức khỏe và văn hóa theo Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP.
Như vậy, không phải trong mọi trường hợp xăm mình đều không đi nghĩa vụ quân sự. Tùy vào tính chất, kích thước hình xăm thì công dân vẫn có thể được đi nghĩa vụ quân sự kèm theo đáp ứng về các tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định.
Nhiều trường hợp vì muốn trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự mà chọn cách đi xăm mình vì nghĩ xăm mình sẽ không đi nghĩa vụ. Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì xăm mình vẫn có thể đi nghĩa vụ quân sự.
Bên cạnh đó, việc cố tình xăm mình để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc theo quy định của pháp luật thì họ có thể đối mặt với xử phạt hành chính theo các mức phạt được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 của Nghị định 120/2013/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người được khám sức khỏe có hành vi gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của mình nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định.
Có thể thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cố ý xăm mình có thể bị phạt lên tới 50.000.000 đồng tùy mức độ và trường hợp khác nhau. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển chọn, cần có công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục. Cần có phương án hợp tác với công dân để tẩy xóa hình xăm trái phép. Khi phát hiện vi phạm cố ý, công dân phải chịu sự xử lý của pháp luật.
Ngoài ra, người cố tình xăm mình để trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo Điều 332 Bô luật Hình sự 2015 thì có thể bị phạt tù lên đến 05 năm tù.
Qua đó, công dân Việt Nam đều phải chấp hành tốt và đúng đối với nghĩa vụ quân sự của mình. Những hành vi trốn tránh đều có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Hữu Hiệp