Quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo loại đơn vị hành chính cấp xã năm 2024 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể như sau:
- Đối với phường: Loại I là 23 người; loại II là 21 người; loại III là 19 người;
- Đối với xã, thị trấn: Loại I là 22 người; loại II là 20 người; loại III là 18 người.
Như vậy, số lượng cán bộ xã theo loại đơn vị hành chính cấp xã gồm có 3 loại: Loại I tối đa không quá 22 người; Loại II tối đa không quá 20 người; Loại III tối đa không quá 18 người.
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 thì kể từ 01/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo đó, tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 cũng nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Trong đó, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương như sau:
- Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp theo nghề: phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm.
- Phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn: phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Điều 5 Nghị định 33/2023/NĐ-CP như sau:
- Cán bộ cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có các chức vụ sau đây:
+ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
+ Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
+ Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
+ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
+ Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
+ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
- Công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 33/2023/NĐ-CP có các chức danh sau đây:
+ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;
+ Văn phòng - thống kê;
+ Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
+ Tài chính - kế toán;
+ Tư pháp - hộ tịch;
+ Văn hóa - xã hội.
- Tiêu chuẩn chung đối với cán bộ, công chức cấp xã thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về cán bộ, công chức, điều lệ tổ chức và quy định của Đảng, của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.
- Đối với công chức là Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, ngoài các tiêu chuẩn quy định nêu trên còn phải có khả năng phối hợp với các đơn vị quân đội nhân dân, công an nhân dân và lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự; giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước và bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân.
(Điều 7 Nghị định 33/2023/NĐ-CP)