Cung cấp thông tin giả vào ngày Cá tháng tư có bị phạt không? (Hình từ Internet)
Cá tháng Tư (1/4) là ngày mà nhiều người trên thế giới thường làm những trò "lừa" bạn bè hoặc người thân, với mục đích gây bất ngờ hoặc hài hước. Những trò đùa này thường không có ý xấu, mà chỉ nhằm tạo ra không khí vui vẻ và sự bất ngờ được bắt nguồn từ văn hóa phương Tây. Nó diễn ra vào ngày ¼ hàng năm. Đây là dịp mà mọi người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói chung đều rất trông đợi. Bởi lẽ ngày đó chúng ta sẽ được thoải mái trêu đùa bạn bè, người thân mà không sợ bị trách móc.
Ngày Cá tháng Tư không chỉ là dịp để thực hiện những trò đùa vui nhộn, mà còn mang lại cơ hội để mọi người kết nối và thắt chặt tình bạn, tình đồng nghiệp hay thậm chí là gia đình. Những trò đùa nhẹ nhàng, hài hước có thể giúp xóa bỏ căng thẳng, mang lại niềm vui và tiếng cười cho mọi người, từ đó tạo ra bầu không khí thoải mái và vui vẻ.
Mặc dù ngày Cá tháng Tư thường được biết đến như dịp để mọi người đùa giỡn và chia sẻ những câu nói dối vô hại nhằm tạo ra tiếng cười, nhưng nếu những thông tin sai sự thật đó được đăng tải lên mạng xã hội và có thể gây ảnh hưởng xấu đến người khác hoặc xã hội, thì hành vi này vẫn có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Người tung tin sai sự thật có thể bị phạt tiền, đặc biệt nếu tin đồn đó vi phạm các quy định liên quan đến việc bảo vệ thông tin cá nhân, quyền lợi hợp pháp của người khác hoặc gây rối trật tự công cộng.
Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định về việc:
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 triệu đồng đến 20.000.000 đồng.
Ngoài ra, căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với cá nhân tổ chức như sau:
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Hành vi đăng tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội làm nhục người khác tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định. Trường hợp hành vi đăng tin sai sự thật, giả mạo trên mạng xã hội có yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý hình sự, cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ theo quy định Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm đối người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
- Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người có hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với người có hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
Thứ hai, tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vu khống như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây:
+ Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
+ Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền,…
Trong trường hợp khi có hành vi đăng thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội thì cá nhân, tổ chức bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Phạm Việt Trinh