Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao có được kháng nghị giám đốc thẩm lần nữa không? (Hình ảnh từ Internet)
Theo Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ sau:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 này kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và có đơn đề nghị theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 327 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; trường hợp xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.
Căn cứ Điều 331 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Như vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao lần nữa khi xét thấy cần thiết.
Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII cơ bản thống nhất với các nội dung đề xuất của Bộ Chính trị và Đề án về phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; xây dựng hệ thống tổ chức đảng ở địa phương, chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Cụ thể, về hệ thống tổ chức Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp: Đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Tại Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 thống nhất đồng ý chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực (bỏ Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện). Như vậy, ban chấp hành Trung ương thống nhất bỏ Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.