Dưới đây là nội dung của một số văn bản nổi bật tuần 16 năm 2025.
Quy định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời
Nội dung đề cập tại Nghị định 86/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Theo đó, áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời như sau:
(1) Việc áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời, mức thuế, thời hạn áp thuế và việc gia hạn thời gian áp thuế thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 81 và khoản 1 Điều 89 của Luật Quản lý ngoại thương.
(2) Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời gồm các nội dung sau:
- Mô tả hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp trong đó bao gồm tên gọi, các đặc tính cơ bản và mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;
- Tên và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời;
- Tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp;
- Mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời;
- Hiệu lực và thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời;
- Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời.
(3) Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời được áp dụng không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định điều tra.
(4) Trường hợp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời được áp dụng thấp hơn biên độ bán phá giá, mức trợ cấp trong kết luận sơ bộ hoặc tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam yêu cầu gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời và khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra của tổ chức, cá nhân xuất khẩu yêu cầu đó chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời nhưng thời gian gia hạn không quá 60 ngày.
Tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp
Nội dung đề cập tại Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025.
Theo đó, tên của đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp được đặt theo tên của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp phù hợp với định hướng sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đặt tên, đổi tên của đơn vị hành chính cấp xã được quy định như sau:
- Tên của đơn vị hành chính cấp xã cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương và được Nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ;
- Khuyến khích đặt tên của đơn vị hành chính cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin;
- Tên của đơn vị hành chính cấp xã không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Mức giảm tiền thuê đất năm 2024
Chính phủ ban hành Nghị định 87/2025/NĐ-CP quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024.
Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 đối với người sử dụng đất quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 87.
Mức giảm tiền thuê đất quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 87 được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2024 theo quy định của pháp luật. Không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2024 và tiền chậm nộp (nếu có).
Trường hợp người sử dụng đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm tiền thuê đất quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 87 được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật.
Xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Thủ tướng có Công điện 41/CĐ-TTg năm 2025 xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán hàng giả nêu trên. Chỉ đạo các địa phương thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhất là tại các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp quản lý cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc gắn với yêu cầu kết nối cơ sở cung ứng thuốc; chỉ được mua bán các loại thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành, có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đúng quy định; thực hiện việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.