1. Không còn thi tốt nghiệp đại học đối với hệ vừa làm vừa học
Theo Thông tư 06/2017/TT-BGDĐT thì từ ngày 01/5/2017 sẽ không còn hình thức thi tốt nghiệp đối với hệ vừa làm vừa học nữa mà đổi lại sẽ là hình thức xét tốt nghiệp, cụ thể:
- Điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo quy chế đào tạo đại học hệ chính quy theo tín chỉ hiện hành.
- Hội đồng xét tốt nghiệp do thủ trưởng cơ sở đào tạo quyết định thành lập và căn cứ vào điều kiện tốt nghiệp để xét, lập danh sách những người đủ điều kiện, đề nghị thủ trưởng cơ sở đào tạo công nhận tốt nghiệp.
- Thủ trưởng cơ sở đào tạo ra quyết định công nhận tốt nghiệp vừa làm vừa học, cấp bằng tốt nghiệp và bảng điểm theo đề nghị của hội đồng xét tốt nghiệp.
2. Điều kiện thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục khi thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học thì ngoài đảm bảo những điều kiện chung còn phải tuân theo các điều kiện riêng cho từng đối tượng.
Đối với đơn vị chủ trì, quy định mới về điều kiện đã được cụ thể hơn so với trước đây, đơn cử:
- Đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất.
- Đối với hình thức liên kết phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo.
Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT thay thế các nội dung về liên kết đào tạo trình độ đại học tại Quyết định 42/2008/QĐ- BGDĐT .
3. Quy định mới về tiêu chuẩn chuyên môn của giáo viên dạy nghề
Ngày 10/3/2017, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, quy định tương đối cụ thể so với Thông tư 30/2010/TT-BLĐTBXH và Thông tư 40/2015/TT-BLĐTBXH như sau :
- Phân ra ba cấp độ chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo dạy trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.
- Mỗi cấp độ đều có quy định về tiêu chí năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm và năng lực phát triển nghề nghiệp, nghiên cứu khoa học.
- Quy định cụ thể căn cứ, điểm, quy trình đánh giá xếp loại nhà giáo dạy nghề.
Ngoài ra, Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH còn cho phép sử dụng các chứng chỉ kỹ năng nghề (CCKNN) để thay thế bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề đối với trình độ sơ cấp như:
+ CCKNN quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6; hoặc
+ CCKNN chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh trở lên.
4. Quy định về sử dụng giáo viên dạy nghề
Nội dung này được quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH quy định về tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, quy định về việc sử dụng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Người được tuyển dụng vào chức danh nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp phải thực hiện chế độ tập sự theo quy định tại Điều 20 Nghị định 29/2012/NĐ-CP ;
- Thời gian tập sự đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng, trung cấp là 12 tháng; nhà giáo dạy trình độ sơ cấp là 6 tháng.
Ngoài ra, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải sử dụng nhà giáo đạt chuẩn theo quy định, phù hợp với ngành nghề được đào tạo hoặc đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động.
Quyết định 57/2008/QĐ-BLĐTBXH và Thông tư 41/2015/TT-BLĐTBXH hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH có hiệu lực.