Cụ thể, việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự 2015 được hướng dẫn như sau:
(1) Người bị kết án đã chấp hành được ít nhất một phần tư thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống; 10 năm đối với tù chung thân; 12 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân và có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1, khoản 4, khoản 6 Điều 5 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã lập công; trong đó, mỗi lần lập công, người bị kết án chỉ được xét giảm thời hạn một lần;
- Đã quá già yếu;
- Mắc bệnh hiểm nghèo.
(2) Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp hướng dẫn tại khoản (1) có thể là 01 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 04 năm đối với hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc 15 năm đối với hình phạt tù chung thân; trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 20 năm.
(3) Trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sau khi có ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với hướng dẫn tại khoản (1) và (2).
Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.
Tại Điều 64 Bộ luật Hình sự 2015 quy định giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt như sau: Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 Bộ luật Hình sự 2015.