Đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án

19/05/2025 17:30 PM

Đã có dự thảo Luật Thi hành án lần 3, theo đó dự thảo đã đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án.

Đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án (Hình ảnh từ Internet)

Đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án (Hình ảnh từ Internet)

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến dự thảo Luật Thi hành án.

Dự thảo Luật

Đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án

Cụ thể, tại Điều 9 dự thảo Luật Thi hành án đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức thi hành án như sau:

- Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm: 

+ Cơ quan quản lý thi hành án dân sự bao gồm cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. 

+ Cơ quan thi hành án dân sự bao gồm cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan thi hành án quân khu và tương đương. 

- Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại, có chức năng tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại. 

Hiện hành, tại Điều 13 Luật thi hành án dân sự 2008 quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự bao gồm:

- Cơ quan quản lý thi hành án dân sự:

+ Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp;

+ Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.

- Cơ quan thi hành án dân sự:

+ Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);

+ Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);

+ Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (sau đây gọi chung là cơ quan thi hành án cấp quân khu).

Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án dân sự; tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan thi hành án dân sự.

Như vậy, tại dự thảo đề xuất chỉ còn cơ quan thi hành án dân sự bao gồm cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (phù hợp với tổ chức chính quyền 02 cấp).

 Theo đó bổ sung quy định về văn phòng thừa phát lại có chức năng tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại ĐIều 70 dự thảo Luật Thi hành án đề xuất về thẩm quyền, phạm vi thi hành án của Thừa phát lại như sau:

- Thừa phát lại có quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án đối với những bản án, quyết định thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở, trừ những trường hợp sau:  

+ Phần bản án, quyết thuộc diện cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật; 

+ Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án cấp quân khu theo quy định tại khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật. 

- Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì phải chấm dứt việc thi hành án theo quy định tại Điều 71 dự thảo Luật, trừ trường hợp văn phòng thừa phát lại và đương sự có thỏa thuận khác. 

Xem thêm nội dung chi tiết của Dự thảo luật.

Chia sẻ bài viết lên facebook 12

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079