Theo Thông tư 06/2024/TT-BXD quy định các công trình xây dựng phải đảm bảo tiếp cận sử dụng cho người gặp khó khăn khi tiếp cận bao gồm:
- Nhà chung cư;
- Công trình công cộng:
+ Công trình giáo dục, đào tạo, nghiên cứu;
+ Công trình trụ sở, văn phòng làm việc;
+ Công trình y tế;
+ Công trình thể thao;
+ Công trình văn hóa;
+ Công trình thương mại, dịch vụ.
+ Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị:
+ Công trình giao thông đô thị: nhà ga, bến tàu, bến xe, đường và hè phố, hầm đi bộ, cầu vượt bộ hành;
+ Các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị khác (nhà tang lễ, nghĩa trang, nhà vệ sinh công cộng, công viên, điểm chờ xe buýt, máy rút tiền tự động, điểm truy cập internet công cộng).
Bên cạnh đó, người gặp khó khăn khi tiếp cận được giải thích như sau:
Người gặp khó khăn khi tiếp cận là người cao tuổi bị suy giảm các chức năng của cơ thể, người tạm thời gặp khó khăn trong di chuyển, người khuyết tật.
Chú thích: Đối tượng người khuyết tật được đề cập quy định tại quy chuẩn này bao gồm: người khuyết tật vận động; người khuyết tật nghe, nói; người khuyết tật nhìn.
Như vậy, công trình xây dựng đảm bảo tiếp cận sử dụng là môi trường kiến trúc được tạo dựng mà người gặp khó khăn như đã nêu trên khi tiếp cận có thể đến và sử dụng các không gian chức năng trong công trình.
Trong đó, quy định kỹ thuật về lối thoát nạn trong xây dựng công trình để đảm bảo người gặp khó khăn khi tiếp cận có thể tiếp cận sử dụng, cụ thể:
- Hệ thống báo động:
+ Hệ thống báo động dùng để thông báo và chỉ dẫn về các khu vực chờ cứu hộ và lối thoát hiểm phải bằng cả âm thanh và hình ảnh, có đèn hiệu nhấp nháy để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
+ Hệ thống báo động phải được bố trí tại các khu vực như phòng ở, phòng họp, phòng khán giả, lối đi, sảnh, hành lang và các không gian sử dụng công cộng khác.
+ Khi sử dụng thông báo bằng loa phải đảm bảo cường độ âm thanh lớn hơn độ ồn tối thiểu +5 dB. Cường độ âm thanh chuông báo khẩn cấp phải cao hơn cường độ âm thanh môi trường tối thiểu +15 dB nhưng không vượt quá 120 dB.
- Lối thoát nạn:
+ Phải bố trí vùng an toàn cho người gặp khó khăn khi tiếp cận tuân thủ quy định tại QCVN 06:2022/BXD. Vùng an toàn phải gắn trực tiếp với cầu thang thoát nạn và phải có biển báo, biển chỉ dẫn và hệ thống liên lạc hai chiều bằng cả hình ảnh và âm thanh.
+ Lối thoát nạn dẫn đến cầu thang thoát nạn phải tuân thủ quy định tại QCVN 06:2022/BXD.
Xem thêm chi tiết tại Thông tư 06/2024/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 và bãi bỏ Thông tư 21/2014/TT-BXD ngày 29/12/2014.