Điểm mới về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (hình ảnh từ Internet)
Ngày 27/6/2025, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn 1363/BHXH-QLT hướng dẫn triển khai những nội dung mới của Luật BHXH, BHYT năm 2024.
Cụ thể, tại Mục 1 Công văn 1363/BHXH-QLT năm 2025 thì những điểm mới về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng BHXH, BHYT như sau:
* Về Bảo hiểm xã hội bắt buộc
(1) Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
** Đối với người lao động là người Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm 13 nhóm; trong đó vừa quy định mở rộng và vừa làm rõ hơn 06 nhóm đối tượng tham gia, gồm:
- Người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác (không sử dụng tên gọi là HĐLĐ) nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên (làm rõ - đồng bộ với quy định về HĐLĐ tại Bộ luật Lao động 2019);
- Dân quân thường trực (chỉ đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất và do người sử dụng lao động (NSNN));
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
- Người lao động làm việc theo HĐLĐ làm việc không trọn thời gian, có tổng mức tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất (bằng mức tham chiếu);
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương;
(2) Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam:
Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như sau:
- Bãi bỏ quy định: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề;
- Bổ sung quy định đối tượng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc: Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
** Sửa đổi quy định: Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019.
(2) Xác định đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tại Điều 30, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung quy định:
- Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác định và theo dõi đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; đôn đốc và hướng dẫn việc lập hồ sơ đăng ký tham gia BHXH bắt buộc.
- Cơ quan BHXH chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vận động để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
- Các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký doanh nghiệp có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia BHXH với cơ quan BHXH theo quy định của Chính phủ.
(3) Căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và có sửa đổi, bổ sung quy định việc thay mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu; mức tham chiếu hiện hành bằng mức lương cơ sở.
- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
(4) Về mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
- Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức đóng BHXH đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn bao gồm cả đóng vào quỹ ốm đau, thai sản.
- Dân quân thường trực chi đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất và do người sử dụng lao động (NSNN) đóng toàn bộ.
(5) Thời hạn đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Cơ bản kế thừa quy định hiện hành, bổ sung quy định về thời hạn đóng BHXH bắt buộc chậm nhất (ngày cuối cùng của tháng sau liền kề).
* Bảo hiểm xã hội tự nguyện
(1) Về đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và có làm rõ: Người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này.
(2) Về chế độ đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Bổ sung chính sách khuyến khích nhằm phát triển người tham gia BHXH tự nguyện: Người mẹ tham gia BHXH tự nguyện sinh con, hoặc người cha tham gia BHXH tự nguyện có vợ sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH thì được hưởng trợ cấp thai sản với mức 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra.
(3) Về mức đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 1 điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: Người tham gia BHXH tự nguyện, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Mức tham chiếu[4] là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật.
(4) Về căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội tự nguyện
Theo quy định tại khoản 2 điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2024: Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
(5) Quy định chuyển tiếp đối với người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2021
Người tham gia BHXH tự nguyện trước ngày 01/01/2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
* Về Bảo hiểm y tế
(1) Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, theo quy định gồm 05 nhóm:
** Nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng
- Đối với người lao động là người Việt Nam, quy định mở rộng 4 nhóm đối tượng tham gia đảm bảo đồng bộ với đối tượng tham gia được quy định trong Luật BHXH:
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
+ Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương;
+ Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
+ Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, bổ sung quy định đảm bảo đồng bộ với đối tượng tham gia được quy định trong Luật BHXH.
** Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng, bổ sung 02 đối tượng tham gia phải đóng BHYT theo mức quy định mà Luật BHYT năm 2008 và Luật BHYT năm 2014 quy định không phải đóng nhưng vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
- Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội
- Người nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
** Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bổ sung 03 nhóm đối tượng tham gia đồng bộ với quy định của Luật BHXH; quy định cụ thể hơn đối với 01 nhóm đối tượng hưởng tuất hàng tháng.
- Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;
- Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
- Người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
- Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
** Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, bổ sung 05 nhóm đối tượng đồng bộ với quy định của các Luật có liên quan, mở rộng đối tượng nhân viên y tế.
- Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;
- Nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật;
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã được xác định không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Chính phủ;
- Người được tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
- Nạn nhân theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
** Nhóm tự đóng bảo hiểm y tế, mở rộng và bổ sung 02 nhóm đối tượng tham gia:
- Người sinh sống và làm việc, người được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các tổ chức, cơ sở từ thiện, tôn giáo;
- Người lao động trong thời gian nghỉ không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
(2) Về căn cứ đóng
- Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản kế thừa các quy định hiện hành và có sửa đổi, bổ sung quy định về mức lương cơ sở bằng mức tham chiếu.
- Đối với một số đối tượng tham gia thuộc nhóm do người sử dụng lao động đóng hoặc người lao động đóng hoặc cùng đóng, mức đóng BHYT được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH.
(3) Về mức đóng, trách nhiệm đóng, mức hỗ trợ đóng (theo phụ lục 01 đính kèm)
(4) Về phương thức đóng
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành; quy định bổ sung phương thức đóng của người sử dụng lao động và đối tượng chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng trực tiếp cho cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc đóng qua hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia quản lý theo phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần.
Thời hạn đóng bảo hiểm y tế chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định đồng bộ với quy định của Luật BHXH.
(5) Về xác định thứ tự đóng bảo hiểm y tế đối với trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau
Người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, quy định bổ sung một số trường hợp cụ thể:
- Người tham gia thuộc đối tượng quy định tại nhóm do NSNN hỗ trợ mức đóng (trừ học sinh, sinh viên) đồng thời thuộc đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình thì được lựa chọn đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
- Người tham gia thuộc nhiều đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thì được lựa chọn tham gia theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất.
Xem thêm Công văn 1363/BHXH-QLT ban hành ngày 27/6/2025.