Hướng dẫn điều kiện và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ ngày 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 12/2025/TT-BNV ngày 30/6/2025 hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Điều 8 và Điều 9 Thông tư 12/2025/TT-BNV hướng dẫn xác định điều kiện hưởng chế độ thai sản và thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
* Xác định điều kiện hưởng chế độ thai sản
Việc xác định điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi theo quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 trong các trường hợp cụ thể như sau:
- Lao động nữ sinh con thuộc trường hợp trước đó phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con là phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con.
- Thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng liền kề trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được xác định như sau:
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng thì tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi;
+ Trường hợp sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tháng sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng hoặc 24 tháng trước khi sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư 12/2025/TT-BNV.
- Trường hợp lao động nữ phải nghỉ việc để đi khám thai, sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung, thực hiện các biện pháp tránh thai trong thời gian trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì xem xét, giải quyết hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 51, 52 và 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
* Xác định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản
Việc tính, xác định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
- Việc xác định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con trong trường hợp mẹ chết sau khi sinh con, cụ thể như sau:
+ Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ;
+ Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện quy định tại quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ;
+ Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha.
Trường hợp người cha không nghỉ việc thì ngoài tiền lương còn được hưởng trợ cấp thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người mẹ;
+ Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người mẹ không đủ điều kiện quy định tại quy định tại các khoản 2, 3 và 5 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 mà chết thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha;
+ Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Mức hưởng trợ cấp thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người cha.
- Việc xác định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, cụ thể như sau:
+ Trường hợp trong cùng một thời gian người lao động nhận từ 02 con nuôi dưới 06 tháng tuổi trở lên thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc kể từ ngày giao nhận con nuôi đầu tiên cho đến khi con sau cùng đủ 06 tháng tuổi;
+ Trường hợp người lao động sinh con đồng thời nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là thời gian thực tế người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con và nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.
- Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 51, Điều 52, khoản 2 Điều 53 và Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đối với trường hợp người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác thì thời gian trùng với thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, nghỉ việc hưởng nguyên lương không được tính hưởng chế độ; thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương, nghỉ việc hưởng nguyên lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định.
- Việc tính thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và được hướng dẫn cụ thể như sau:
+ Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến trước khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
+ Thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con khi nhờ mang thai hộ hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
+ Trường hợp lao động nữ trở lại làm việc trước khi hết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến trước khi trở lại làm việc được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội; kể từ khi trở lại làm việc thì lao động nữ được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả và tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo mức quy định tại Điều 59 Luật Bảo hiểm xã hội 2024; người sử dụng lao động và lao động nữ có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho thời gian lao động nữ trở lại làm việc;
+ Trường hợp hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc quy định tại khoản 6 Điều 53 và Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì thời gian hưởng chế độ thai sản không được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội; người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.
- Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 4 Điều 9 Thông tư 12/2025/TT-BNV, được ghi theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp tháng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là tháng có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ghi theo mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của tháng nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.
Xem thêm tại Thông tư 12/2025/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.