Kiến nghị có cơ chế tạo việc làm với cán bộ công chức chuyển từ khu vực công sang tư nhân khi sắp xếp bộ máy (Hình từ Internet)
Bộ Nội vụ ban hành Công văn 4123/BNV-CVL ngày 21/6/2025 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.
![]() |
Công văn 4123/BNV-CVL |
Bộ Nội vụ nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên gửi trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyền đến theo Công văn 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025, nội dung như sau:
“Đề nghị quan tâm về chế độ chính sách và có cơ chế tạo việc làm đối với người lao động chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước”
Theo đó, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, ngày 31/12/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 177/2024/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng, Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ).
Bên cạnh đó, các đối tượng trên còn được hưởng các chính sách về hỗ trợ việc làm theo quy định của Luật Việc làm 2013 (Luật Việc làm (sửa đổi) được thông qua ngày 16/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2026) như: chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.
Để hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho người lao động nói chung, người lao động chuyển từ khu vực công sang khu vực tư nhân trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính nhà nước, hiện nay, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện nhiều chương trình, chính sách nhằm phát triển các thành phần kinh tế, nhất là phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (theo tinh thần của Nghị quyết 68-NO/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị). Về phía ngành Nội vụ đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
- Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động.
- Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
- Tăng cường các hoạt động dịch vụ việc làm, nâng cao hiệu quả kết nối người lao động với doanh nghiệp, nhất là xây dựng sản giao dịch việc làm quốc gia.
- Đẩy mạnh cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Xem thêm tại Công văn 4123/BNV-CVL ban hành ngày 21/6/2025 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.
Nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Điều 3 Nghị định 178/2024/NĐ-CP như sau:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp theo đúng quy định.
- Bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách nhà nước.
- Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.
- Các bộ, ban, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở.