Từ năm 2026, bãi bỏ các quy định về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước 2025.
![]() |
Luật Ngân sách nhà nước 2025 |
Cụ thể, Luật Ngân sách nhà nước 2025 đã bãi bỏ các nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong các khâu lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước từ năm 2026 như:
- Bỏ các quy định liên quan đến số kiểm tra, về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm;
- Bỏ quy định các nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách;
- Bỏ thủ tục thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước của cơ quan tài chính đối với ngân sách cấp dưới trực tiếp ở địa phương nhằm rút ngắn thời gian tổng hợp quyết toán ngân sách nhà nước, trình Quốc hội phê chuẩn…
Theo đó, Luật Ngân sách nhà nước bổ sung quy định quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh được sử dụng để tạm ứng cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm nguồn lực của địa phương được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Cụ thể, tại Điều 11 Luật Ngân sách nhà nước 2025 quy định về quỹ dự trữ tài chính như sau:
- Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu so với dự toán, dự toán chỉ còn lại của cấp ngân sách, kết dư ngân sách, bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm theo khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. Số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hằng năm của cấp đó, không bao gồm chi bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên (nếu có).
- Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp sau đây:
+ Cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả trong vòng 12 tháng kể từ ngày tạm ứng;
+ Cho ngân sách sử dụng để đáp ứng nhu cầu chỉ của ngân sách trong trường hợp thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ;
+ Tạm ứng cho các chương trình, nhiệm vụ, dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phải hoàn trả trong vòng 36 tháng kể từ ngày tạm ứng; tổng các khoản tạm ứng tối đa không quá 50% số dư đầu năm của quỹ.
Xem thêm Luật Ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026, trừ một số nội dung quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2025 được thực hiện từ ngày 01/7/2025 bao gồm:
- Việc phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách cấp xã đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;
- Việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tổ chức chi ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quy định tại khoản 4 Điều 58 Luật Ngân sách nhà nước 2025, đơn vị sử dụng ngân sách gửi đề nghị chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch (giấy rút dự toán/ủy nhiệm chi) để thực hiện thanh toán khi khoản chi có trong dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao;
- Tạm cấp ngân sách theo quy định tại Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước 2025.