Thu hút nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao từ 01/01/2026 (Hình từ internet)
Ngày 14/6/2025, Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 (Luật số 71/2025/QH15), có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Theo Điều 19 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 quy định về thu hút nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao như sau:
- Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
- Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú có thời hạn 05 năm và được gia hạn theo quy định pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Vợ hoặc chồng, con dưới 18 tuổi của nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao là người nước ngoài được cấp thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời hạn cấp cho nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao; được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
- Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
- Chính sách thu hút nhân lực công nghiệp công nghệ số trong cơ quan nhà nước:
+ Nhân lực trong tổ chức, doanh nghiệp là công dân Việt Nam, có nguyện vọng, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao thì được xem xét, quyết định tiếp nhận vào làm công chức, viên chức mà không cần thông qua thi tuyển, xét tuyển; được xem xét bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo quản lý mà không cần đáp ứng điều kiện về thời gian công tác, quy hoạch và các điều kiện khác theo quy định nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu; được hưởng các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ khác của Nhà nước đối với nhân lực chất lượng cao theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về viên chức;
+ Trường hợp công chức, viên chức đã chuyển sang làm việc tại tổ chức, doanh nghiệp, đáp ứng tiêu chí nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao, có nguyện vọng quay lại làm công chức, viên chức thì được ưu tiên tiếp nhận vào làm công chức, viên chức, bố trí vị trí việc làm phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, được hưởng chế độ, chính sách về lương, phụ cấp, ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và các chế độ, chính sách khác tương đương hoặc cao hơn chế độ, chính sách đã được hưởng trước đây; được xem xét là trường hợp đặc biệt khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu cơ quan, đơn vị có nhu cầu;
+ Nhân lực công nghiệp công nghệ số chất lượng cao trong tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số được tiếp nhận có thời hạn làm việc tại cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở thống nhất của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và tổ chức, doanh nghiệp về hình thức tiếp nhận, thời gian làm việc, vị trí việc làm và quyền lợi của người được tiếp nhận; đồng thời bảo đảm sự đồng thuận của người được tiếp nhận;
+ Công chức, viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về công nghệ số có thể được điều động, luân chuyển, biệt phái sang cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về viên chức.
Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 như sau:
- Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng của con người.
- Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong công nghiệp công nghệ số.
- Sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; để được loại trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số.
- Cản trở hoạt động hợp pháp; hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về công nghiệp công nghệ số của tổ chức, cá nhân.
- Sử dụng, cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phá hoại thuần phong mỹ tục.