Chính thức có quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) từ năm 2026 (Hình từ internet)
Ngày 14/6/2025, Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 (Luật số 71/2025/QH15), có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 là một luật hoàn toàn mới, quy định về phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng chú ý, Luật dành hẳn một Chương IV quy định về trí tuệ nhân tạo, hay còn gọi tắt AI (Artificial Intelligence) với nhiều nội dung mới lần đầu được quy định tại Việt Nam.
Sau đây là đơn cử một vài nội dung quy định nổi bật về AI tại Luật Công nghiệp công nghệ số 2025:
* Nêu khái niệm về hệ thống trí tuệ nhân tạo
Là hệ thống dựa trên máy móc được thiết kế để hoạt động với các mức độ tự chủ khác nhau và có khả năng thích ứng sau khi triển khai nhằm đạt được những mục tiêu rõ ràng hoặc ngầm định, suy luận từ dữ liệu đầu vào mà hệ thống này nhận được để tạo ra dự đoán, nội dung, khuyến nghị, quyết định có thể ảnh hưởng đến môi trường thực hoặc môi trường điện tử. Hệ thống trí tuệ nhân tạo là sản phẩm công nghệ số tích hợp giữa phần cứng, phần mềm và dữ liệu.
(khoản 9 Điều 3 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025)
* Nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo
(1) Nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo:
- Phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, lấy con người làm trung tâm, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, thúc đẩy thông minh hóa; tiếp cận bao trùm, linh hoạt, công bằng và không phân biệt đối xử; tôn trọng các giá trị đạo đức, dân tộc; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình, khả năng giải thích được; bảo đảm không vượt qua tầm kiểm soát của con người;
- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng;
- Bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân;
- Bảo đảm khả năng kiểm soát thuật toán, mô hình trí tuệ nhân tạo;
- Kiểm soát rủi ro trong suốt vòng đời của hệ thống trí tuệ nhân tạo;
- Bảo đảm tuân thủ pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật khác có liên quan.
(2) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ căn cứ tình hình thực tiễn để hướng dẫn nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực được phân công theo quy định trên.
(Điều 41 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025)
* Quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo
(1) Hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống trí tuệ nhân tạo trong một số trường hợp sử dụng có khả năng gây ra rủi ro, tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích công cộng và trật tự, an toàn xã hội, trừ một trong các trường hợp sau:
- Nhằm thực hiện một hoặc một số công việc cụ thể, tác động trong phạm vi hẹp;
- Nhằm hỗ trợ con người trong việc tối ưu hóa kết quả công việc;
- Nhằm thực hiện kiểm ưa lỗi của các công việc do con người hoàn thành trước đó và không nhằm mục đích thay thế quyết định của con người.
(2) Hệ thống trí tuệ nhân tạo tác động lớn là hệ thống trí tuệ nhân tạo được sử dụng đa mục đích, có số lượng người sử dụng lớn, số lượng tham số lớn, khối lượng dữ liệu lớn.
(3) Yêu cầu quản lý đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo quy định tại (1) và (2) này bao gồm:
- Yêu cầu kỹ thuật;
- Minh bạch trong lưu trữ và cung cấp thông tin;
- Quản trị dữ liệu;
- Giám sát, kiểm tra;
- An toàn, an ninh mạng;
- Yêu cầu cần thiết khác.
(4) Chính phủ quy định chi tiết tại (3) theo yêu cầu quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo của từng ngành, lĩnh vực.
(Điều 43 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025)
* Dấu hiệu nhận dạng đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo
(i) Hệ thống trí tuệ nhân tạo tương tác trực tiếp với con người phải có thông báo cho người sử dụng biết việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo, trừ trường hợp người sử dụng hiển nhiên biết về việc đang tương tác với hệ thống trí tuệ nhân tạo.
(ii) Sản phẩm công nghệ số thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo phải có dấu hiệu nhận dạng để người sử dụng hoặc máy nhận biết.
(iii) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
- Ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo quy định tại (ii);
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định tại (i) và (ii).
(Điều 44 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025)
Trên đây là nội dung quy định về trí tuệ nhân tạo (AI) từ năm 2026.
Xem thêm chi tiết tại Luật Công nghiệp công nghệ số 2025.
(1) Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng của con người.
(2) Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong công nghiệp công nghệ số.
(3) Sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
(4) Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; để được loại trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số.
(5) Cản trở hoạt động hợp pháp; hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về công nghiệp công nghệ số của tổ chức, cá nhân.
(6) Sử dụng, cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phá hoại thuần phong mỹ tục.
(Điều 12 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025)