Đã có hướng xử lý khi người gửi tinh trùng, noãn, phôi chết, ly hôn mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 15/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 207/2025/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
![]() |
Nghị định 207/2025/NĐ-CP |
Việc gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi được thực hiện trong các trường hợp tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 207/2025/NĐ-CP bao gồm:
- Người chồng đang điều trị vô sinh được gửi tinh trùng;
- Người vợ đang điều trị vô sinh được gửi noãn;
- Cặp vợ chồng, phụ nữ độc thân đang điều trị vô sinh được gửi phôi;
- Người có nguyện vọng muốn lưu giữ cá nhân.
Căn cứ khoản 2,3 và 4Điều 9 Nghị định 207/2025/NĐ-CP hướng dẫn giải quyết trường hợp người gửi tinh trùng, noãn, phôi chết, ly hôn như sau:
* Trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi chết:
- Nếu người gửi tinh trùng chết thì cơ sở lưu giữ phải hủy số tinh trùng đang lưu giữ của người đó, trừ các trường hợp: người vợ có nguyện vọng được sinh con bằng tinh trùng của người chồng đã chết; hoặc trước khi chết người gửi có văn bản thể hiện nguyện vọng hiến tinh trùng cho cơ sở lưu giữ theo quy định tại Nghị định này;
- Nếu người gửi noãn chết thì cơ sở lưu giữ phải hủy số noãn đang lưu giữ của người đó, trừ trường hợp trước khi chết người gửi có văn bản thể hiện nguyện vọng hiến noãn cho cơ sở lưu giữ theo quy định tại Nghị định này;
- Nếu người chồng trong cặp vợ chồng gửi phôi chết thì phải hủy phôi của cặp vợ chồng đó, trừ các trường hợp: người vợ có nguyện vọng được sinh con bằng phôi của hai vợ chồng; hoặc người vợ có văn bản hiến phổi cho cơ sở lưu giữ để nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho một phụ nữ độc thân hoặc một cặp vợ chồng khác;
- Nếu người vợ trong cặp vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng gửi phôi chết thì phải hủy phôi của cặp vợ chồng đó, trừ trường hợp có văn bản của cả hai vợ chồng thể hiện nguyện vọng hiến phôi cho cơ sở lưu giữ để nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho một phụ nữ độc thân hoặc một cặp vợ chồng khác;
- Nếu người phụ nữ độc thân gửi phôi chết thì phải hủy phôi của người đó, trừ trường hợp trước khi chết người đó có văn bản thể hiện nguyện vọng hiến phôi cho cơ sở lưu giữ để nghiên cứu khoa học.
* Trường hợp cặp vợ chồng gửi phôi đã ly hôn:
- Cơ sở lưu giữ phải hủy phôi đang lưu giữ, trừ trường hợp có văn bản đồng ý của cả hai vợ chồng về việc: đề nghị tiếp tục lưu giữ phối và cam kết chi trả chi phí lưu giữ theo quy định của cơ sở; hoặc đề nghị hiển phôi đang lưu giữ cho cơ sở lưu giữ để sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học hoặc thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho một cặp vợ chồng hoặc một phụ nữ độc thân khác;
- Cơ sở lưu giữ được phép sử dụng phôi của cặp vợ chồng đã ly hôn để thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho người vợ trong trường hợp có văn bản đồng ý của cả hai người.
* Lưu ý: Người sử dụng tinh trùng, noãn, phôi thuộc một trong các trường hợp trên làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự.
=>> Như vậy, từ ngày 01/10/2025, trường hợp người gửi tinh trùng chết thì chỉ có vợ mới được quyền yêu cầu nhận lại tinh trùng của chồng có nguyện vọng được sinh con (trừ trường hợp cả hai vợ chồng đều đã chết hoặc chồng có đơn hiến tinh trùng)
Trường hợp vợ gửi noãn, phôi thì sau khi vợ chết thì phải tiêu huỷ phôi, noãn theo quy định pháp luật (trừ trường hợp có đơn hiến phôi, noãn), điều này có nghĩa người chồng cũng không có quyền yêu cầu nhận lại noãn, phôi từ người vợ của mình.
Xem thêm Nghị định 207/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2025.
Các quy định và văn bản sau đây hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định 207/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành:
- Nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Nghị định 98/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Khoản 2 Điều 19 Nghị định 155/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
- Khoản 9 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chỉ tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.