Cách tính lương hưu đối với người tham gia BHXH tự nguyện từ 01/7/2025 (Hình từ internet)
Theo Điều 99, Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và Điều 10 Nghị định 159/2025/NĐ-CP thì mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng BHXH tự nguyện được tính theo công thức sau đây:
Mức lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH)
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính như sau:
Lao động nam |
Lao động nữ |
- Đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%. - Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. - Mức hưởng tối đa là 75%. |
- Đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%. - Sau đó, cứ thêm mỗi năm được tính thêm 2%. - Mức hưởng tối đa là 75%. |
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Lưu ý: Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
- Xác định mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH:
(1) Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
(2) Thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm bằng thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của từng năm nhân với hệ số điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng.
Hệ số điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tính theo gốc so sánh bình quân năm 2008 do Cục Thống kê, Bộ Tài chính cung cấp và được xác định bằng công thức sau:
Hệ số điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t |
= |
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm liền kề trước năm người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng bảo hiểm xã hội tính theo gốc so sánh bình quân năm 2008 |
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm t tính theo gốc so sánh bình quân năm 2008 |
Trong đó:
t: Là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;
Hệ số điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t được lấy tròn đến hai chữ số thập phân và mức thấp nhất bằng 1.
(3) Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu theo quy định thì thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu sau điều chỉnh bằng thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội của thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu nhân với hệ số điều chỉnh bằng 1.
(4) Trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tính theo gốc so sánh bình quân năm 2008 do Cục Thống kê, Bộ Tài chính cung cấp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xác định hệ số điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản (2) và thực hiện việc điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản (1).
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bao gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng;
- Đối tượng sau đây đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
+ Cán bộ, công chức, viên chức;