Từ 01/01/2026, người dân được phép dùng tài sản ảo đi đầu tư? (Hình ảnh từ Internet)
Ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025.
Cụ thể, tại Điều 46 Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 thì tài sản số là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử.
* Phân loại tài sản số
- Tài sản số được phân loại theo một hoặc một số tiêu chí sau:
+ Mục đích sử dụng;
+ Công nghệ;
+ Tiêu chí khác.
- Tài sản số bao gồm:
+ Tài sản ảo trên môi trường điện tử là một loại tài sản số có thể được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư. Tài sản ảo không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự; tài chính;
+ Tài sản mã hóa là một loại tài sản số sử dụng công nghệ mã hóa hoặc công nghệ số có chức năng tương tự để xác thực đối với tài sản trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ, chuyển giao. Tài sản mã hóa không bao gồm chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự; tài chính;
+ Tài sản số khác.
Theo đó, việc quy định tài sản số không bao gồm “chứng khoán, các dạng số của tiền pháp định và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về dân sự, tài chính”. Cụ thể, tại Công văn 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 trả lời kiến nghị về việc thiết kế trung tâm máy tính Bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lý giải:
“Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.
Như vậy, có thể hiểu theo quy định của Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 thì tiền ảo, tiền mã hóa vẫn chưa được thừa nhận là có thể sử dụng cho mục đích thanh toán.
Tuy nhiên, tại điểm a khoản 2 Điều 47 Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 cũng quy định việc tài sản ảo được dùng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư.
Tóm lại, từ ngày 01/01/2026, Nhà nước hợp pháp hành vi nhà đầu tư (người dân) dùng tài sản ảo của mình để thực hiện các hoạt động mục đích đầu tư, trao đổi… (không dùng cho mục đích thanh toán).
Theo Điều 12 Luật Công nghiệp công nghệ số 2025 quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số bao gồm:
(1) Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đạo đức xã hội, sức khỏe, tính mạng của con người.
(2) Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong công nghiệp công nghệ số.
(3) Sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
(4) Giả mạo, gian dối để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước; để được loại trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số.
(5) Cản trở hoạt động hợp pháp; hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về công nghiệp công nghệ số của tổ chức, cá nhân.
(6) Sử dụng, cung cấp, triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng; quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phá hoại thuần phong mỹ tục.
Xem thêm Luật Công nghiệp Công nghệ số 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.